Viết gì nữa về vụ Nhã Thuyên???

Tiêu chuẩn

Van Gia-1

PGS.TS. Ngô Văn Giá, Trưởng Khoa Sáng tác – Lí luận phê bình văn học, ĐH Văn Hóa Hà Nội

Chu Mộng Long – Định không viết gì nữa về vụ Nhã Thuyên cho “đúng định hướng”, nhưng sau khi đọc bài viết của PGS.TS. Ngô Văn Giá (Tại đây) không thể không nói tiếp. Với bài viết thanh minh thanh nga kiểu ấy, ai bái phục không biết chứ tôi thì coi thường. Những lập luận công khai của những người từng chủ trương bỏ rọ trôi sông cô gái Nhã Thuyên chẳng làm cho ai tâm phục khẩu phục, trong khi bài viết của ông Ngô Văn Giá lại thể hiện rõ sĩ khí Bắc Hà thời nay: cúi đầu khuất phục trước cường quyền hơn là thẳng thắn đối thoại trên tinh thần dân chủ, bình đẳng trong học thuật.

Bằng chứng là trên bài viết ấy, ông Giá không bảo vệ được lời nhận xét và con điểm 10 mà ông đã bỏ phiếu cho luận văn của Nhã Thuyên, hơn nữa còn cố tìm cách né tránh đối thoại, tranh luận sòng phẳng.

Sự thật là họ có nói gì về phương pháp chấm điểm của Hội đồng cũ đâu mà đưa ra để thanh minh?

Vào thời điểm nóng nhất, tôi đã công khai bộc lộ quan điểm trên gần chục bài viết lớn nhỏ về vụ Nhã Thuyên, không phải bảo vệ Nhã Thuyên hay nhóm Mở miệng, mà bảo vệ cho một môi trường khoa học lành mạnh, trong sáng, cởi mở theo quan điểm giáo dục hiện đại mà Bộ GD&ĐT lâu nay vẫn chủ trương, vạch trần và cảnh báo những thủ đoạn nhân danh, giả hình để quy chụp chính trị thô bạo, kể cả những dấu hiệu thù hằn cá nhân.

Ấy là lúc cần tiếng nói khách quan của người ngoài cuộc như tôi, như TS. Vũ Thị Phương Anh, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên… hay GS Trần Đình Sử.

Lúc ấy, những người trong cuộc như PGS. Nguyễn Văn Long, PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp, PGS.TS. Ngô Văn Giá, TS. Chu Văn Sơn, TS. Nguyễn Phượng im lặng là phải.

Có lẽ tiếng nói của chúng tôi khi ấy đã giúp cho các cơ quan chức năng phải thận trọng trong hành xử, cho nên sự việc bớt căng thẳng và chìm lắng cả năm trời nay. Lúc đó, có người nói với tôi rằng, tất cả chỉ là dư luận, có ai đã làm gì Nhã Thuyên hay bà Nguyễn Thị Bình đâu. Có nghĩa là họ cũng đang cần lắng nghe tiếng nói từ nhiều phía?!

Tôi tin, tranh luận học thuật là chuyện đương nhiên chấp nhận trong thời đại toàn cầu hóa, khác với tình thế lịch sử không còn lựa chọn nào khác như thời Nhân văn – Giai phẩm.

Nhưng không ngờ, sau cả năm trời “hoãn binh” đó, có một số kẻ đã âm thầm “xử kín” Nhã Thuyên và người hướng dẫn PGS.TS. Nguyễn Thị Bình, nhờ bức đơn thư của bà Bình gửi báo chí kêu cứu mới lộ chuyện ra ngoài.

Bây giờ thì đến lúc các ông trong Hội đồng cũ: Nguyễn Văn Long, Nguyễn Đăng Điệp, Ngô Văn Giá, Chu Văn Sơn, Nguyễn Phượng lên tiếng rồi đấy, nếu các ông này biết tự trọng. Chỉ có 2 lí do cho các ông im lặng. 1) Các ông đã sai hoàn toàn khi chấm điểm xuất sắc cho Nhã Thuyên, bây giờ phải ngậm miệng. 2) Hèn!

Không có lí do chính đáng nào khác cho sự im lặng, trừ phi Hội đồng các ông này vô trách nhiệm với bản nhận xét và lá phiếu của mình, hoặc chấp nhận kết quả của Hội đồng thẩm định là đúng!

Người ta không cho đối thoại giữa hai hội đồng theo đúng thủ tục pháp lý thì các ông có quyền khiếu nại hoặc lên tiếng trước công luận để tự bảo vệ mình. Bởi vì, sự phủ định Nhã Thuyên hay người hướng dẫn Nguyễn Thị Bình chỉ là chuyện nhỏ. Phủ định kết quả của cả một Hội đồng mới là chuyện lớn, là một sự sỉ nhục, biến môi trường khoa học thành nơi thanh toán lẫn nhau của băng nhóm phi học thuật, chưa kể, nếu như chấp nhận việc tước bằng thạc sĩ của Nhã Thuyên là đúng, thì cả Hội đồng cũ từng cho điểm tuyệt đối cho Nhã Thuyên phải bị kỉ luật mới đảm bảo sự sòng phẳng, minh bạch!

Loại trừ những bài viết quy kết, chụp mũ với động cơ phi học thuật kiểu Nguyễn Văn Lưu, Đông La,… bây giờ chưa nói được Hội đồng nào đúng, Hội đồng nào sai, nhưng tôi cứ nghĩ, cái điểm 10 tuyệt đối mà Hội đồng cũ đã bỏ phiếu kia có khi nhất thời chỉ là “tiểu khí” (chữ dùng của GS. Nguyễn Đăng Mạnh) của trí thức nửa mùa, còn bây giờ thấy lâm nguy những người này đã hoảng sợ bỏ chạy thoát thân hay tìm kế an thân???

Xin lỗi tôi phải nặng lời một cách chính đáng, nếu các vị thành viên trong Hội đồng cũ im lặng hay trả lời cho qua chuyện theo cách của PGS.TS. Ngô Văn Giá! Mong các ông sẽ không hoàn toàn như tôi nghĩ.

Các bài viết liên quan:

1) Hồng vệ đao pháp

2) Chu Giang Nguyễn Văn Lưu xuất chiêu cuối cùng

3) Đã phi chính trị thì nguy hiểm chỗ nào?

4) Bịt miệng và Mở miệng

5) Vạch mặt phê bình chỉ điểm

6) Nhã Thuyên và hành lang pháp lí cho nhà khoa học

7) Chu Giang Nguyễn Văn Lưu nói gì?

8) Đông La Đông Hét

9) Tú Sót làm thơ tặng bọn chỉ điểm

 

About chumonglong

Thấy việc nghĩa không làm là đồ hèn. Thấy việc đúng mà bất lực là đồ ngu. Thấy việc thiện mà làm ngơ là đồ ích kỉ. Thấy đồng loại đau khổ mà vẫn vui chơi là đồ bất lương. Còn sức khỏe, trí lực mà tìm chỗ ẩn cư thì cũng là phường vô đạo!

Đã đóng bình luận.