Thi pháp học đồ đểu (1)

Tiêu chuẩn

Chu Mộng Long – Tôi không vơ đũa cả nắm, nhưng điều tôi đang nói đến rất có tính điển hình. Bởi tôi đang ở trong chăn, cái chăn của thời đại sinh ra thế hệ trí thức cơ hội chuyên sản xuất đồ đểu.

Loạt bài này tôi sẽ nói đến một cuốn sách có tên Thi pháp học.

Sách của tác giả Phạm Ngọc Hiền, Tiến sĩ ngữ văn, giảng viên Trường Đại học Sài Gòn, NXB Văn học vừa phát hành năm 2016, dày 559 trang.

Cuốn sách được bà Mai Thị Liên Giang ngợi ca hết lời, như thể đó là viên ngọc sáng chói làm lu mờ hết mọi tên tuổi (tại đây). Trong khi một kẻ chỉ cần có chút ít hiểu biết về Thi pháp học cũng sẽ không thể tưởng tượng nổi đó lại là cuốn sách phản học thuật nhất của thời đại sản xuất đồ đểu.

Cóp nhặt, xào nấu và láu cá

Khoan đọc vào nội dung, chỉ nhìn vào Mục lục và Thư mục tham khảo, rồi kiểm tra vào phần chú thích dưới mỗi trang sách, các bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên về khả năng cóp nhặt, xào nấu rất láu cá của tác giả.

Phần Mục lục với sự trình bày các chương mục đủ thấy cách triển khai vấn đề của tác giả: Tổng quan về thi pháp học, Thi pháp thể loại và ngôn từ, Thi pháp nhân vật và hình tượng tác giả, Thi pháp không gian và thời gian nghệ thuật, Thi pháp cốt truyện – điểm nhìn – kết cấu.

Tôi dám cá chắc với tác giả và với ai hiểu biết về Thi pháp học có thể dẫn ra một công trình thi pháp học nào đó của thế giới có hệ thống chương mục như thế. Thi pháp học trên thế giới hình thành và phát triển thành bộ môn khoa học từ đầu thế kỉ 20 với nhiều trường phái khác nhau, mỗi trường phái có những cách tiếp cận và triển khai vấn đề rất khác nhau. Ngay khi được truyền bá sang Việt Nam, các sách có nói đến thi pháp học, dù là ở miền Nam (trước 1975) hay ở miền Bắc, cũng không có một hệ thống như vậy. Hệ thống được triển khai trong Thi pháp học của Phạm Ngọc Hiền chỉ có thể là cóp nhặt, xào nấu từ giáo trình Thi pháp học hiện đại của tác giả Trần Đình Sử. Chỉ khác là Phạm Ngọc Hiền đã xáo xào trật tự của giáo trình do Trần Đình Sử viết, thêm vào những điều mà những công trình thi pháp học theo trường phái Trần Đình Sử đã thêm như Thi pháp thể loại, Thi pháp hình tượng tác giả.

Như tôi đã từng viết, Thi pháp học khi truyền bá sang Việt Nam đã được “Trần Đình Sử hóa” một cách sâu sắc (xem bài liên quan). Trần Đình Sử không bê nguyên xi hay cóp nhặt một trường phái thi pháp học nào của Nga hay của phương Tây mà tách lọc trong mớ phức tạp, thậm chí mâu thuẫn và đầy cực đoan của các trường phái thi pháp học thế giới để thống nhất thành một hệ thống và khái quát hóa thành các phạm trù thi pháp có thể ứng dụng cho việc nghiên cứu phê bình văn học ở Việt Nam trong thời kì đầu đổi mới; trong đó đặc biệt là có những kiến giải rất riêng xoay quanh một trục tư tưởng “hình thức mang tính quan niệm”, “hình thức trong tương quan với nội dung tác phẩm”. Từ công trình đầu tiên: Thi pháp thơ Tố Hữu (1987), đến giáo trình Một số vấn đề Thi pháp học hiện đại (1993) và loạt sách chuyên luận, dịch thuật: Những thế giới nghệ thuật thơ (1995), Những vấn đề thi pháp Dostoievski (1993), Một số vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam (1999), Thi pháp Truyện Kiều (2001)…. Thi pháp học Trần Đình Sử đã ảnh hưởng rộng lớn (chứ không phải “bành trướng” như Phạm Ngọc Hiền mỉa mai)  đến giới nghiên cứu, phê bình tại Việt Nam. Tôi cũng từng phê bình các luận văn, luận án, dù là học trò hay không phải học trò của GS. Trần Đình Sử, họ gần như rập khuôn một cách máy móc hệ thống vấn đề trong giáo trình của thầy mình; trong khi chính GS. Trần Đình Sử lại là người luôn cập nhật, đổi mới với nhiều hướng gợi mở khác nhau theo diễn biến học thuật của thế giới đương đại.

Khoảng cách giữa tầm hiểu biết của thầy và khả năng ứng dụng của trò là chuyện hiển nhiên.

Có điều, khi ứng dụng Thi pháp học Trần Đình Sử không có ai lại có thể phủ nhận Trần Đình Sử. Trong quyển sách mang tên mình, phần tổng kết về thi pháp học ở Việt Nam, Phạm Ngọc Hiền gần như xem Trần Đình Sử là kẻ theo đuôi, sau hàng loạt các tác giả mà anh ta cho là đã đi trước, kéo dài từ cổ trung đại đến hiện đại. Theo anh ta, những sách nào có nói đến nghệ thuật đều là thi pháp học, từ sách của Phan Kế Bính, Ngô Tất Tố… đến sách của Hoài Thanh, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức… Sự đánh loãng ra, kéo theo sự nhầm lẫn rối mù khi anh ta cho rằng cuốn Tục ngữ Việt Nam, cấu trúc và thi pháp của nhà ngôn ngữ học Nguyễn Thái Hòa là “cuốn sách đầu tiên về Thi pháp học ở Việt Nam sau 1975” [tr.469]. Không rõ mắt nhắm mắt mở thế nào mà cái chuyên luận rành rành xuất bản lần đầu năm 1997, sau công trình Thi pháp thơ Tố Hữu của Trần Đình Sử đến 10 năm, mà anh ta lại biến báo thành ra mắt năm 1977 để ghi dấu mốc “đầu tiên” về thi pháp học hiện đại được ứng dụng và truyền bá tại Việt Nam (!?).

Ai cũng biết Thi pháp học của thế giới đa dạng với nhiều khuynh hướng, trào lưu khác nhau. Khi du nhập sang Việt Nam, trừ sự thống nhất theo cách của Trần Đình Sử, người ta cũng tiếp cận với nhiều hướng khác nhau. Chẳng hạn thi pháp cấu trúc luận và hiện tượng luận của các học giả miền Nam trước 1975 như của Nguyễn Văn Trung, Đặng Tiến…, thi pháp cấu trúc – kí hiệu học, phong cách học ngôn ngữ sau thời kì đổi mới ở miền Bắc như của Nguyễn Thái Hòa, Nguyễn Phan Cảnh, Hoàng Trinh, Phan Ngọc… Không ai ví “Thi pháp học như một con kỳ đà luôn thay hình đổi dạng” [tr.133] một cách ngây ngô. Thi pháp học có các trường phái với lập trường khoa học khác nhau chứ “thay hình đổi dạng” kiểu gì? Mà con tắc kè hoa hay con kì nhông thì mới thay hình đổi dạng chứ con kì đà là con gì mà lại thay hình đổi dạng? Có lẽ Phạm Ngọc Hiền đọc đâu đó trong cách diễn đạt của các nhà Hình thức Nga về hình ảnh “con tắc kè hoa” khi nói về sự biến nghĩa của từ ngữ trong văn cảnh nghệ thuật, nhưng do không tiêu hóa nổi nên nói ngọng thành “con kì đà” rồi gán đại cho sự “thay hình đổi dạng” của Thi pháp học?

Không chỉ xem Trần Đình Sử là kẻ theo đuôi mà còn là kẻ ăn may khi tác giả viết: “Chuyên luận của Trần Đình Sử ra đời đúng vào giai đoạn đầu đổi mới nên công cuộc bành trướng thi pháp học diễn ra rất thuận lợi” [tr.471]. Hàm ý Phạm Ngọc Hiền muốn nói, nếu không phải cơ hội lịch sử ấy, thi pháp học của Trần Đình Sử sẽ không có ảnh hưởng gì lớn lao? Phạm Ngọc Hiền đế thêm, sự ăn may của Trần Đình Sử là nhờ có hậu thuẫn: “Năm 1989, có hai bài viết hậu thuẫn cho Trần Đình Sử là Một hướng nghiên cứu có nhiều triển vọng: về “Thi pháp thơ Tố Hữu” của Trần Đình Sử (Lã Nguyên), Thi pháp học và thi pháp thơ Tố Hữu (Đỗ Lai Thúy)… [tr.471]. Tưởng quan chức cao cấp nào làm “hậu thuẫn” hay “chống lưng” cho Trần Đình Sử, té ra là những người chưa ai biết tên tuổi trong thời điểm ấy.

Bìa sau nhấn mạnh “con kì đà thay hình đổi dạng”!

Lếu láo đến thế là cùng!

So với những người có công truyền bá về Thi pháp học, có thể nói tầm ảnh hưởng của Thi pháp học Trần Đình Sử là rất rộng và mạnh mẽ. Đến mức không chỉ học trò chính tông của ông mà những người ngoại đạo cũng bị ảnh hưởng. Hàng trăm công trình có hay không có dán nhãn thi pháp ở Việt Nam gần như đều phải mang dấu ấn Trần Đình Sử, từ tư tưởng, mô hình, cho đến phương pháp tiếp cận, trong đó có sách của Phạm Ngọc Hiền mà ta đang nói đến. Đó là điều hiển nhiên nhưng không ngờ anh ta lại cố tình lập lờ đánh lận con đen để tự đề cao mình mới là người hiểu biết tường tận về Thi pháp học và đang có công rao giảng đầy đủ về Thi pháp học.

Bây giờ thì hãy nhìn vào Thư mục tham khảo, những trích dẫn với các chú thích cuối mỗi trang để biết qua về trình độ hiểu biết của Phạm Ngọc Hiền.

Rất oai phong lẫm liệt, cuốn sách có 340 mục công trình và bài báo gồm cả tiếng Việt, tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Trung, tiếng Ý (7 thứ tiếng). So với giáo trình và các công trình của Trần Đình Sử, dung lượng tài liệu mà Phạm Ngọc Hiền có được gia tăng lên rất nhiều lần với một sự uyên bác mà cỡ chuyên gia Thi pháp học như Trần Đình Sử cũng phải gọi là bậc thầy.

Chưa vội kết luận Phạm Ngọc Hiền có đủ trình độ ngoại ngữ để tiếp cận nguồn tư liệu đó hay không, nhưng người đọc có quyền đặt câu hỏi: vì sao tác giả không tách ra từng thứ ngôn ngữ riêng với tiêu đề nguyên bản gốc của từng tài liệu theo đúng quy định hiện hành mà lại dịch toàn bộ và đánh lẫn vào trong thư mục tài liệu tiếng Việt? Tác giả tự dịch hay ai đã dịch sẵn trong các thư mục nào đó rồi tác giả nhặt nhạnh và copy vào sách của mình để làm sang?

Bây giờ thì không khó nhận ra khi dò trong từng trang sách phần trích dẫn. Có vô số các trích dẫn khơi khơi không có chú nguồn. Còn những trích dẫn có chú thích thì tuyệt nhiên không có liên quan gì đến nguồn tài liệu tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Ý trong Thư mục mà lại toàn copy, xào nấu lại từ sách báo tiếng Việt. Vậy là sao?

Bấy nhiêu đó đủ chứng tỏ, Thi pháp học của Phạm Ngọc Hiền là Thi pháp học chộp giật, ăn cắp của một người và xào nấu của nhiều người nhưng lại láu cá tỏ ra hiểu biết đầy đủ và tiếp cận từ gốc. Phạm Ngọc Hiền múa may quay cuồng trong mớ bùng nhùng của những cóp nhặt mà tuyệt đối không hề biết cái gốc Thi pháp học là gì. Cho nên, càng đọc vào nội dung bên trong càng thấy tác giả cựa quậy như gà mắc tóc, từ phân loại thi pháp học, phân loại hình thức, cho đến diễn giải các phạm trù của thi pháp. Thi pháp học Phạm Ngọc Hiền là Thi pháp học tạp pí lù được mang ra trình làng trong thời đại đồ đểu?

(Còn nữa: Mớ tạp pí lù hay “con kì đà thay hình đổi dạng”?)


Bài liên quan: GS. Trần Đình Sử với Lí luận phê bình văn học.

 

About chumonglong

Thấy việc nghĩa không làm là đồ hèn. Thấy việc đúng mà bất lực là đồ ngu. Thấy việc thiện mà làm ngơ là đồ ích kỉ. Thấy đồng loại đau khổ mà vẫn vui chơi là đồ bất lương. Còn sức khỏe, trí lực mà tìm chỗ ẩn cư thì cũng là phường vô đạo!

Đã đóng bình luận.