GS. Trần Đình Sử với Lí luận phê bình văn học

Tiêu chuẩn

indexChu Mộng Long – Trên 70, sức khỏe không phải là tốt lắm, nhưng có lẽ không ai viết khỏe như thầy: GS. Trần Đình Sử. Thầy vẫn miệt mài quay tơ, dệt nên cả một tấm thảm mênh mông của nền lí luận phê bình văn học Việt Nam đương đại. Hậu bối có người học thầy, có người không được học thầy, nhưng các trang lí luận phê bình có giá trị hơn 20 năm qua gần như phải đặt trên tấm thảm tiền định ấy.

Thi pháp học Trần Đình Sử – tôi vẫn gọi như thế, vì thi pháp học phương Tây đã được Trần Đình Sử hóa một cách sâu sắc – đã khai sáng cho lí luận, phê bình văn học Việt Nam từ đổi mới cho đến nay.

Đổi mới là xu thế không cưỡng lại được, nhưng mới nhanh thì cũ cũng nhanh.

Điều ngạc nhiên là, trong khi các đồ đệ của thầy khó thoát ra khỏi chiếc kén của thi pháp học cũ, các luận văn, luận án quẩn quanh với những công thức máy móc mà thầy đã tạo ra từ cuối thế kỉ trước, thì chính thầy đã liên tục vượt qua, tiếp cận với thi pháp học mới để chứng minh thi pháp học không đi vào ngõ cụt mà liên tục sản sinh.

Thầy vẫn đọc, dịch, và viết để tiếp cận, truyền bá cái mới: Tự sự học, Giải cấu trúc, Lí thuyết về diễn ngôn, Chủ nghĩa hậu hiện đại…

Và điều ngạc nhiên nữa là, càng cao tuổi, thầy lại càng hào hiệp cổ động những ý kiến khác biệt trong lí luận phê bình. Tôn trọng những ý kiến khác biệt là điều hiếm thấy trong lớp giáo sư thế hệ như thầy, mặc dù đã từng có những ý kiến khác biệt gây tổn thương cho chính thầy!

Sự thực, dưới nhiều áp lực khó gọi bằng tên, trước các hiện tượng văn học hiện thời, các nhà lí luận phê bình Việt Nam hoặc đang mũ ni che tai, hoặc bảo thủ học phiệt, hoặc cấp tiến theo lối dân chủ vỉa hè, thậm chí sa đọa thành lối phê bình đàng điếm, thầy vẫn ung dung đi trên sợi dây của văn hóa nhân loại, mỗi ngày luôn gắng sức giúp cho lí luận phê bình chân chính của Việt Nam có một chỗ đứng trong hội nhập toàn cầu.

Kính chúc thầy khỏe và tiếp tục vun đắp cho lí luận phê bình văn học nước nhà!

Trân trọng giới thiệu bài viết mới nhất của thầy cùng Blog Trần Đình Sử:

 ———————————————————————-

Chúng ta không thiếu nhà phê bình chuyên nghiệp

Trần Đình Sử

Cuộc trao đổi về nhà phê bình chuyên nghiệp, nghiệp dư hiện đang sôi nổi, ý kiến khác nhau. Theo quan điểm của tôi thì, nhận định nguyên nhân yếu kém của phê bình văn học Việt Nam là do thiếu nhà phê bình chuyên nghiệp, hoặc do sáng tác văn học nghiệp dư hóa là không đúng sự thật. Bởi vì cái gọi là “chuyên nghiệp” không có gì bí hiểm, đến nỗi không ai hiểu được. Chuyên nghiệp nghĩa là có đào tạo, có nghiệp vụ. Những ai đã qua nhà trường đại học ngành văn học đã học lí luận văn học, đã biết phê bình văn học, lịch sử văn học, đã thực hành phân tích, phê bình tác phẩm văn học, bất kể là có việc hay không có việc, có sống bằng nghề ấy hay không, làm việc tay trái hay tay phải, đều là người chuyên nghiệp. Những giảng viên đại học, các giáo viên trung học phổ thông, các nghiên cứu viên ở các cơ quan nghiên cứu văn học, các nhà biên tập ở các báo có mục văn học, các nhà xuất bản xử lí các bản thảo văn học đều có thể coi là nhà phê bình văn học chuyên nghiệp.  Những người có học vị tiến sĩ, thạc sĩ, đã có chức danh giáo sư, phó giáo sư trong ngành văn học lại càng là nhà phê bình chuyên nghiệp. Những người đó mà không chịu nhận mình là nhà phê bình chuyên nghiệp thì là một sự lạ lùng, vậy thử hỏi ai được đào tạo hơn họ để làm phê bình?

Tuy nhiên, đối với phê bình văn học, người được đào tạo hẳn hoi vẫn là chưa đủ. Để viết được bài phê bình văn học hay, được bạn đọc chú ý, đòi hỏi phải có chút tài, chút năng khiếu, chút nhạy bén, viết văn hoạt…Nhưng tài năng là cái mà ông trời phân phối không đều, cho nên không thể lấy tài mà làm tiêu chí phân định chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp. Mặt bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư nước ta có thể chưa bằng các nước tiên tiến trên thế giới, nhưng đó là vấn đề khác không phải là lí do để phủ nhận tính chuyên nghiệp của chuyên ngành.

Trong lịch sử nước ta tính từ giai đoạn 30 – 45 thế kỉ trước xuất hiện một thế hệ nhà phê bình tài năng. Họ không được đào tạo nhiều, bù lại họ tự đào tạo, trở thành nhà phê bình có uy tín, không thể không coi họ là chuyên nghiệp. Ngày nay chúng ta vẫn có không ít người do tự đào tạo mà làm tốt công việc phê bình.

Hiểu như vậy ta sẽ thấy chuyên nghiệp không phải là lí do khiến cho phê bình văn học của chúng ta yếu kém.  Nguyên nhân yếu kém nằm ở chỗ khác. Phê bình yếu kém là do thái độ phê bình né tránh sự thật, không dám nói sự thật. Từ Đại hội VI của Đảng năm 1986, nhờ có phương châm nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy xã hội và kinh tế, những năm cuối 80, đầu 90 phê bình văn học ta có được một thời kì khởi sắc, sôi động, đồng hành với văn học. Nhưng rồi sau đó một không khí trầm lắng né tránh sự thật kéo dài mãi cho đến tận nay.

Có nhiều biểu hiện của sự né tránh sự thật. Cái khó nhất của phê bình văn học hiện nay là đối diện với thực tế đa dạng và phức tạp về tư tưởng. Tác phẩm hay không dám khen, tác  phẩm dở không dám chê, tác phẩm làng nhàng lại được khen nức nở. Các tác phẩm có ý kiến khác nhau không muốn thảo luận. Các báo cáo có tính chất tổng kết cũng thường né tránh nói về tư tưởng, mà chỉ nói chung chung về hình thức nghệ thuật. Chẳng hạn báo cáo đề dẫn của nhà văn Lê Thành Nghị tại Hội nghị lí luận phê bình văn học ở Tam Đảo. Bản báo cáo tuy công phu, rất chuyên nghiệp, song do thiếu đề cập tới tư tưởng của văn học mà trở nên nhạt nhòa. Nhà phê bình Dương Trọng Dật đã nói rất đúng: “Trong khi sáng tác hăng hái xông vào những vùng đất mới, những thể nghiệm sáng tạo thì lý luận phê bình lại tỏ ra thờ ơ với những điểm nóng trong sáng tác đa chiều đa sắc của văn học. Lý luận phê bình có vẻ như không mặn mà trước những vấn đề mới mẻ mà phong trào sáng tác đã đặt ra. Nhiều vấn đề gai góc, hóc búa của sáng tác không được đề cập. Một số lệch lạc, tiêu cực trong hoạt động sáng tác, những tác phẩm non yếu về tư tưởng, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc chưa được mạnh dạn mổ xẻ, phân tích. Những thể nghiệm nghệ thuật chưa được xem xét một cách khoa học và từ đó cổ vũ đúng mức. Bàng bạc trong hoạt động lý luận phê bình là hiện tượng né tránh, ngại đụng chạm, hời hợt, xuê xoa theo kiểu dĩ hòa vi quý.” (Bài tham luận Hội nghị Tam Đảo, TĐS nhấn mạnh).

Dương Trọng Dật đã nói đúng thực trạng vấn đề, cho dù nhà phê bình có chuyên nghiệp cách mấy, có bằng cấp đầy mình mà né tránh vấn đề thì phê bình văn học không thể khởi sắc được. Rất tiếc bài tham luận của tác giả không được chọn làm trọng điểm thảo luận của Hội nghị.

Tuy nhiên cũng cần tìm hiểu vì sao nhà phê bình lại “thờ ơ”, “không mặn mà”, “né tránh”, “ngại đụng chạm” với các hiện tượng văn học. Ở đây có vấn đề thái độ ứng xử trong phê bình. Trong mấy năm qua có hai cuộc  trao đổi văn học đáng chú ý. Một là trao đổi xung quanh tác phẩm Hội Thề của nhà văn Nguyễn Quang Thân. Ý kiến trên một số mạng rất gay gắt, và thiết nghĩ trao đổi sẽ rất hữu ích. Song lời lẽ của một số cây bút khiến người ta, (kể cả báo chí) ngại ngùng, né tránh, không muốn trao đổi. Sau đó có cuộc thảo luận về thơ của Nguyễn Quang Thiều. Có người cất lời chê hết nước hết cái, phủ nhận sạch trơn, khí thế xem ra khó mà trao đổi, kết quả là ai tự độc thoại nấy. Rõ ràng ở đây còn thiếu văn hóa tranh luận, thiếu ý thức đối thoại, khiến cho mọi thảo luận học thuật trở nên mất thú. Vấn đề thứ hai là quả có ngai ngần về phương diện nhìn thẳng vào sự thật. Tác giả Nguyễn Khắc Phê đã viết một cuốn tiểu thuyết công phu dày dặn Biết đâu địa ngục thiên đường. không chỉ đề cập tới cải cách ruộng đất, đề cập thời bao cấp, mà còn đề cập tới con đường chủ nghĩa xã hội, một thế hệ người trưởng thành theo lí tưởng ấy. Chủ đề không thể nói là không nhạy cảm, song trong các trường hợp công khai, điều tác giả muốn nói chủ yếu là tình quê hương, gia đình. Bản thân nhiều nhà văn họ cũng không muốn trao đổi nhiều các chủ đề nhạy cảm trong tác phẩm của họ, sợ phiền phức. Đó cũng là thực trạng của văn học ta hiện nay.

Một số cuộc dự thi có nhiều cây bút có uy tín vẫn không muốn tham dự, điều đó nói lên rằng họ không muốn tham gia diễn đàn bàn bạc.

Bản thân lí luận phê bình văn học vẫn có những ý kiến khác nhau, ví như về văn học hậu hiện đại trên thế giới và ở nước ta. Nhà lí luận Phương Lựu nêu ý kiến cho là có, nhà lí luận Nguyễn Văn Dân bảo rằng không có, chẳng qua là sự chồng chéo của khái niệm. Giáo sư Phương Lưu đã có bài trao đổi, nhà lí luận Nguyễn Văn Dân trao đổi bằng cả một cuốn sách. Ý kiến khác nhau vẫn có đấy, song người ta ngại trao đổi.

Cuối cùng không thể không nói đến khía cạnh tâm lí. Thời buổi khó khăn, đội ngũ lí luận phê bình cũng không nhiều nhặn gì, quay qua quay lại đều gặp nhau, đôi co nhiều khi mất cả bạn bè. Ý kiến khác nhau là phổ biến. Hãy phát huy cái khác nhau lên. Giá mà chúng ta vẫn có những hình thức trao đổi, ý kiến vẫn khác nhau, mà tình người vẫn êm đẹp.

Có thể nói tình hình lí luận phê bình của chúng ta yếu kém quyết không phải do phê bình văn học thiếu chuyên nghiệp. Đó cũng chỉ là cái hỏa mù. Thực trạng đó còn nhiều lí do khác sâu xa hơn nữa, thiết nghĩ còn khá lâu mới được đề cập và giải quyết.

5- 7 – 2013

Nguồn: http://trandinhsu.wordpress.com/2013/07/06/chung-ta-khong-thieu-nha-phe-binh-chuyen-nghiep/

About chumonglong

Thấy việc nghĩa không làm là đồ hèn. Thấy việc đúng mà bất lực là đồ ngu. Thấy việc thiện mà làm ngơ là đồ ích kỉ. Thấy đồng loại đau khổ mà vẫn vui chơi là đồ bất lương. Còn sức khỏe, trí lực mà tìm chỗ ẩn cư thì cũng là phường vô đạo!

Đã đóng bình luận.