Đổi mới “căn bản” và “toàn diện” giáo dục và đào tạo???

Tiêu chuẩn

Viết nhanh sau khi đọc bài Cần có đề án đổi mới căn bản toàn diện về phương pháp dạy học” của GS. Trần Đình S. Tranh luận với thầy chút cho vui, có gì không phải mong thầy lượng thứ. Hứa với bạn đọc sẽ viết lại đầy đủ, chi tiết vấn đề này trên một phông lí luận hẳn hoi.

Nếu lãnh đạo Bộ thực tâm đổi mới, không nên khó chịu khi đọc bài viết này!

1900151_850342131649346_2009697514_nChu Mộng Long – Dẫn từ GS Trần Đình Sử: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Câu này rất quen, trong nghị quyết và trên các khẩu hiệu ở các hội trường, bây giờ lại tái hiện thành phương châm cho cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo lần này!!!

Xin được nói thật suy nghĩ của tôi: Liệu gắn “định hướng xã hội chủ nghĩa” với “hội nhập quốc tế” có mâu thuẫn không, trong khi, trừ Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Cuba anh em, “định hướng xã hội chủ nghĩa” của ta thuộc “đỉnh cao trí tuệ”, còn “quốc tế” hiện nay bị cho là thế giới tư bản “hoang dã”, “bản năng”, “dục vọng” thấp kém?

Hay là khái niệm “quốc tế” ta đang dùng chỉ mang nội hàm như một cuộc đấu thể thao, chỉ cần với Lào đã có thể gọi là quốc tế?

Còn với quốc tế đúng nghĩa thì, dạ thưa, Bộ có dám thay đổi triệt để: 1) Ký hiệp định chung về giáo dục và đào tạo với các nước phát triển như cộng đồng Châu Âu đã làm trong Tuyên bố Bologna, công nhận tri thức, văn bằng chung, loại bỏ/giảm hẳn những môn học mà chỉ có ta mới xem là tri thức. 2) Đa dạng hóa chương trình, sách giáo khoa để người dạy và người học tích cực và tự do lựa chọn, từ giã sự độc quyền của ông Bộ như hiện nay?

Theo GS Trần Đình Sử: “Đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục hiện nay có thuận lợi rất lớn là đã có nghị quyết của Đảng khóa 11, có sự đồng thuận cao của đại đa số nhân dân, có quyết tâm cao của chính phủ và toàn ngành”. Tôi thì cho rằng chẳng thuận lợi tí nào, nếu không nói là nguy hiểm, khi sự đồng thuận chỉ trôi tuột một chiều mà không có những phản biện thích đáng. Thì đấy, những lần đổi mới trước đây cũng có sự đồng thuận rất cao; và hình như sự đồng thuận càng cao càng mang lại kết quả rất hình thức, giả tạo và tốn kém.

Tình hình cũng giống như các phong trào, từ phong trào một “nói không”, hai “nói không”… của nhiệm kỳ trước, cho đến những phong trào lớn hơn khác, trên hô quyết tâm dưới cũng hô quyết tâm, rồi tất cả cùng đi đến đâu?

Những tấm gương và những thành tích ảo, cùng với những tiếng vỗ tay tán thưởng đã từng lừa chúng ta cùng du hành trên chiếc tàu bay giấy!!!

Chưa có một tổng kết nghiêm túc, chân thực nào về các lần đổi mới trước đây để rút kinh nghiệm thì lấy đâu ra bài học cho sự đổi mới lần nữa. Còn nếu chỉ có thành tích hảo hảo trở lên thì sao lại có đổi mới căn bản và toàn diện lần này?

Tôi nghĩ, lần này nếu thực tâm đổi mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần dành nhiều thời gian chuẩn bị chu đáo, thận trọng hơn, lắng nghe từ nhiều phía của dư luận và cảnh giác trước những tràng vỗ tay, những hưởng ứng nhiệt liệt trong các hội nghị, hội thảo gồm những ông bà chỉ biết vỗ tay và hưởng ứng nhiệt liệt.

Tôi cũng thuộc người rất hào hứng với đổi mới và nhiệt thành ủng hộ đổi mới. Nhưng tôi lại băn khoăn và rất hoài nghi khi lại nghe tiếp cái điệp khúc: đổi mới chương trình và sách giáo khoa. Nếu chỉ đổi mới chương trình và sách giáo khoa thì không thể gọi là căn bản và toàn diện được, kết quả chỉ là… lợi ích cho một nhóm quyền lực nào đó. Bộ mang tiếng vừa làm chỉ huy giáo dục và đào tạo, vừa kiêm nghề xuất bản sách và bán sách!!!

Không thể đổi mới chộp giật theo nhiệm kỳ, biến nền giáo dục và đào tạo sau mỗi nhiệm kỳ là một bãi rác toàn giấy lộn!

Tôi hiểu GS Trần Đình Sử đang lo sắp tới, toàn bộ sách giáo khoa đã viết trong cuộc cải cách trước đây có ông đứng tên chủ biên sẽ bị mang ra bán giấy lộn! Trong khi tri thức đích thực không thể bị đối xử như vậy sau mỗi lần cải cách!

GS Trần Đình Sử nghiêm túc “kiểm điểm” với tư cách là người có tham gia cải cách trước đây: “… những khuyết điểm lớn, đó là sự thiếu chuẩn bị và thiếu đồng bộ. Công cuộc đổi mới giáo dục đòi hỏi phải chuẩn bị đầy đủ các tiền đề, chẳng hạn, cơ sở vật chất, trường lớp, thiết bị; đổi mới phương pháp đòi hỏi phải nghiên cứu nó, tiến hành thực nghiệm theo từng bộ môn, chuẩn bị bồi dưỡng giáo viên…” và đề nghị, “Nếu có phương pháp tốt, sách cũ vẫn được dạy rất hiệu quả, còn nếu SGK mới mà phương pháp cũ thì chắc chắn là sẽ vô nghĩa, hiệu quả không thay đổi”. Rất cảm thông cho sự băn khoăn của người được tham gia mà không có quyền quyết định như giáo sư, nhưng những khuyết điểm đó, xin lỗi giáo sư, không phải là bản chất của vấn đề. Thiếu chuẩn bị thì đúng rồi, vì lần đổi mới nào cũng rất chộp giật, thay sách, bán sách (và hiển nhiên kéo theo xé sách, bán giấy lộn). Nhưng nói thiếu đồng bộ thì không đúng. Rất đồng bộ nữa là đằng khác. Cùng với thay đổi chương trình, sách giáo khoa là ồ ạt xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp cao tầng (đến cả cái sân bê tông cho nhà trẻ và toilet cho học sinh bạc tỉ), mua sắm trang thiết bị rất hiện đại nữa cơ (máy móc, thiết bị hiện đại… đến mức thay đọc chép thành chiếu chép 100%)! Không đồng bộ thì làm sao họ giải ngân hàng nghìn nghìn tỉ cho mỗi đề án, dự án?

Còn phương pháp mới ư? Đủ các loại phương pháp, nào tích cực, nào hiệu quả, nào khăn trải bàn, nào tay nặn bột, nào Vnen… đang triển khai la liệt, hết tập huấn nọ đến tập huấn kia, kể cả thực nghiệm hết cơ sở này đến cơ sở khác, lớp này đến lớp khác làm cho giáo viên xoay chuồn chuồn và học sinh thì như những con chuột bạch ngọ ngậy trong các phòng thí nghiệm!

Có điều những phương pháp ấy chỉ là hàng mã, là đổi mới giả hình! Giáo sư đã lần nào dự thử một giờ ở phổ thông chưa? (Mà ở đại học bây giờ cũng một hiện trạng như thế). Một giờ dạy có đủ phương pháp: thuyết trình, thảo luận, vấn đáp, nêu vấn đề… Họ thành thạo như những cái máy. Nhưng không khí không khác một buổi hỏi cung! Kết quả là người học phải nói và trả bài đúng ý người dạy/tra hỏi và tất nhiên đúng với sách giáo khoa và đáp án đề thi đã áp đặt trước!

Thói học phiệt còn nguyên trong não trạng người dạy thì không có phương pháp nào hữu hiệu.

       Xin lỗi, cái thời buổi mà đại trí thức còn bị bắt ngồi hàng giờ tại hội trường để học những văn bản đến người nông dân tự đọc cũng hiểu thì làm gì có chuyện phát huy tính tích cực, sáng tạo. Đại trí thức mà còn bị coi thường như thế huống hồ là những em học sinh, sinh viên thấp cổ bé họng!

        Tôi nghĩ phương pháp tích cực hiệu quả chỉ có thể là dũng cảm làm ngược lại mới đúng. Phế bỏ hẳn cây thước quyền lực quá lớn lao trong tay của người dạy (và người quản lí nữa) đi. Nói ngắn gọn và nôm na, người học đến lúc được quyền học theo nhu cầu, tự do lựa chọn chương trình, sách giáo khoa và tài liệu để học, giờ học phải là giờ thảo luận những vấn đề cần thảo luận, khi cần có thể tranh luận/tra vấn lại chính người dạy. Người dạy chỉ còn đóng vai trò hướng dẫn, giúp đỡ và cùng người học nghiên cứu, phản biện tri thức để đi đến sáng tạo và ứng dụng tri thức!

       Cái “phương pháp biến tri thức thành năng lực” là phương pháp như vậy đấy. Thế giới văn minh người ta đã bàn nát rồi, kể cả các công trình giáo dục học, giáo học pháp của ta cũng đã nói lau lảu trong các chương “Thực trạng”, “Giải pháp”, nhưng hoặc không dám làm triệt để, hoặc làm hình thức, máy móc và đầy xuyên tạc méo mó!

       Ở đại học của ta, phần đa đã chuyển đổi từ đào tạo niên chế sang tín chỉ, thay cách tiếp cận nội dung (Content Approach) hay mục tiêu (Objective Approach) truyền thống thành cách tiếp cận phát triển (Developmental Approach) hiện đại của thế giới, nhưng rốt cuộc chỉ là chuyển đổi cơ giới, chẳng thấy phát triển đâu. Vẫn chương trình cũ, nội dung cũ; sinh viên vẫn không có quyền lựa chọn chương trình, nội dung và người dạy, phương pháp dạy và học phát huy tính tích cực, sáng tạo chỉ là hình thức giả tạo. Khi quyền sinh quyền sát hoàn toàn nằm trong tay người dạy, hậu quả kinh hãi hiện nay là, sinh viên hoặc đối phó, hoặc bỏ tiền chạy/mua tín chỉ hơn là hoàn thành các tín chỉ đúng nghĩa.

      Tri thức không có phản biện chỉ có thể loại tri thức nhồi sọ, dù nó trá hình bằng đủ các loại phương pháp dạy học khác nhau!

       Đến lúc phải dân chủ hóa trong học thuật, tôn trọng những ý kiến khác biệt, người dạy biết lắng nghe, ghi nhận những phản hồi, phản biện từ người học thì may chăng đổi mới theo hướng tích cực hóa người học mới có hiệu quả. Nhưng điều ấy thật khó, ở ngay chính trong đội ngũ nhà giáo chúng ta, hoặc còn quá nhiều người vẫn giữ thói quen học phiệt, hoặc nhiều kẻ ngu mà hay áp đặt. Mà nữa, khi cái căn bản là xã hội thiếu lành mạnh trong tuyển dụng nhân lực, đến mức Bộ trưởng cũng phải thừa nhận, bằng giả chỉ lọt vào cơ quan Nhà nước (trong khi người học gần như chỉ có một con đường chui vào cơ quan Nhà nước), động lực dạy và học đã hoàn toàn lệch lạc, thì lấy đâu ra tích cực, sáng tạo mà đổi mới!

        Cơ quan tuyển dụng không cần năng lực, dẫn đến người học không cần tri thức, tất kéo theo người dạy cũng không cần đầu tư – một chuỗi nhân quả như vậy đã làm cho giáo dục của ta rơi vào thung lũng chết (Death Valley – mượn cách nói của Ken Robinson), nếu không có lối thoát bằng công cuộc đổi mới “căn bản và toàn diện” thật sự!

        Nhưng phải xác định “căn bản và toàn diện” như thế nào chứ không chơi chữ cho sang.

      “Căn bản” là khởi công từ nền, xây dựng một nền móng vững chắc cho tòa nhà giáo dục, trong đó không thể không gắn liền với cải thiện môi trường xã hội với cơ chế tuyển dụng lành mạnh. Cầu lành mạnh thì cung mới đàng hoàng. “Toàn diện” là bao quát tất cả các khâu, từ xác định một triết lý giáo dục đúng đến xây dựng đội ngũ, chương trình, biên soạn sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, cải tiến phương pháp, phương tiện dạy học. Nhưng chừng như do chưa xác định như thế, nên không thể không cảnh giác khi có vẻ mọi thứ lại tiếp tục diễn ra bởi những bàn tay chộp giật, chắp vá vụn vặt và những mưu toan thiếu trong sáng, lành mạnh.

          Tất cả những điều đang nói là một sự thực, có đau lòng mới dám nói ra được cái sự thực ấy!

     Đọc bài của GS Trần Đình Sử:  Cần có đề án đổi mới căn bản và toàn diện về phương pháp dạy học

Đọc bài liên quan: Cần xé vứt hết đi để làm lại từ đầu

About chumonglong

Thấy việc nghĩa không làm là đồ hèn. Thấy việc đúng mà bất lực là đồ ngu. Thấy việc thiện mà làm ngơ là đồ ích kỉ. Thấy đồng loại đau khổ mà vẫn vui chơi là đồ bất lương. Còn sức khỏe, trí lực mà tìm chỗ ẩn cư thì cũng là phường vô đạo!

Đã đóng bình luận.