Hậu Bắt đầu và kết thúc: Quyền tự do của nhà văn đến đâu?

Tiêu chuẩn

Chủ tịch Hữu Thỉnh tại cuộc tọa đàm, share từ FB Trần Đình Sử.

Chu Mộng Long: Hậu truyện ngắn Bắt đầu và kết thúc của Trần Quỳnh Nga. Quyền tự do của nhà văn đến đâu?

Tôi luôn ủng hộ quyền tự do của nhà văn. Tự do là điều kiện thiết yếu của sáng tạo. Không có tự do, nhà văn chỉ là kẻ cơ hội, nịnh hót hoặc ăn theo nói leo.

Kiểm duyệt, theo K. Marx, là lưỡi hái tử thần giết chết sáng tạo. Kiểm duyệt chỉ sinh ra “những chiếc quái thai được tắm nước hoa”.

Vụ truyện ngắn Bắt đầu và kết thúc của Trần Quỳnh Nga đang được lãnh đạo Hội Nhà văn kiểm điểm và rút kinh nghiệm sâu sắc, cùng với lời xin lỗi tới bạn đọc và người dân cả nước. Đó là hành động đáng hoan nghênh, trong đó đáng đề cao vai trò quan trọng của Chủ tịch Hữu Thỉnh.

Không thể bao biện rằng, đó là “truyện ngắn diễm tình phi chính trị” khi nó mang màu sắc chính trị rõ ràng bằng trò ngợi ca kẻ cướp nước và bán nước.

Cũng không thể bao biện rằng, “ban biên tập ngu dốt không nhận ra tác hại của truyện” khi chính những người gọi Trần Quỳnh Nga là một “văn tài” đã lên tiếng chỉ trích, chửi bới những người phê bình truyện của Quỳnh Nga là “những kẻ ngu dốt”, “những kẻ không hiểu biết gì về văn chương”.

Bây giờ, chính sự kiểm điểm ban biên tập và loại Trần Quỳnh Nga ra khỏi danh sách kết nạp hội viên, nhiều người từng ủng hộ Trần Quỳnh Nga đã lên tiếng bêu riếu, rằng lãnh đạo Hội Nhà văn đã thực hiện chính sách kiểm duyệt, tiêu diệt khả năng sáng tạo của nhà văn(!?). 

Họ quên rằng, hiện tượng Trần Quỳnh Nga không là sáng tạo mà là “cái quái thai được tắm nước hoa” như Marx nói. Những người xem Trần Quỳnh Nga như một “văn tài” đã không thấy rằng, Trần Quỳnh Nga thực ra không có sáng tạo gì mới ngoài đã hót theo luận điệu tuyên truyền phản động, những kẻ đang rắp tâm bán nước hại dân mà tôi đã chỉ ra ở bài trước.

Cô giáo, “nhà thơ” Bảo Thương viết rằng, “máu giặc cũng là máu mình”, “bảo chỉ máu mình là đỏ, là thơm, là tốt, máu giặc là tanh. Nhẫn tâm lắm!”. Vậy là những người coi Thoát Hoan như giặc, đều là vô cảm, ác độc! Trong khi vó ngựa Mông Nguyên dưới sự chỉ huy của Thoát Hoan đã từng tàn sát không biết bao nhiêu người Việt vô tội mà một cô giáo dạy học như Bảo Thương lẽ nào không biết?

Một nhà văn khác vừa còm theo luận điệu một số nhà văn đã viết khi bênh vực Trần Quỳnh Nga, rằng sáng tạo là quyền tự do của nhà văn và tiếp nhận như thế nào là quyền người đọc. Đúng! Nhưng quyền được ngợi ca kẻ cướp nước và bán nước, bôi nhọ tinh thần yêu nước, ý chí giành độc lập chủ quyền của dân tộc, chỉ có thể là quyền của kẻ cướp nước và bán nước. Quyền ấy xứng đáng phải bị trừng trị bởi cơn bão của sự phẫn nộ của người đọc yêu nước và ý chí giữ độc lập, chủ quyền. Không có chuyện một dân tộc yêu nước, ý thức sâu sắc chủ quyền trong suốt bốn nghìn năm lịch sử lại có thể thỏa hiệp đầu hàng hay để cho cái quyền phản bội dân tộc ấy tự do lộng hành!

Nhà văn có quyền tự do sáng tạo, không có quyền tự do mượn văn chương tuyên truyền cho quân bán nước và cướp nước!

———–

Bài liên quan: Thảo luận về truyện ngắn Bắt đầu và kết thúc: Văn tài đem bán cho loài khuyển ưng?

About chumonglong

Thấy việc nghĩa không làm là đồ hèn. Thấy việc đúng mà bất lực là đồ ngu. Thấy việc thiện mà làm ngơ là đồ ích kỉ. Thấy đồng loại đau khổ mà vẫn vui chơi là đồ bất lương. Còn sức khỏe, trí lực mà tìm chỗ ẩn cư thì cũng là phường vô đạo!