“Thấu cảm” là gì? Đặng Hoàng Giang viết bậy!

Tiêu chuẩn

Chu Mộng Long – Đạo đức giả là thứ vi trùng lây lan rất mạnh, nhất là trong học đường, ở chính cái môn Ngữ văn!

Đề thi Ngữ văn TNPT sáng nay lấy một bài viết của nhà tâm lí – đạo đức Đặng Hoàng Giang cho phần Đọc hiểu văn bản với đề tài gọi là “thấu cảm”:

“Thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ. Giống như cái lạnh thấu vào tủy hay cái đau thấu xương, thấu cảm là sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó, khiến ta hiểu được những suy nghĩ của họ, cảm được những cảm xúc của họ, và tất cả xảy ra mà không có sự phán xét. Khả năng đọc được tâm trí và tâm hồn của người khác là một khả năng phát triển ở những người mẫn cảm.”

Thấu cảm là cách nói khác của trực giác, chỉ sự tương giao cảm xúc giữa ta và đối tượng (người hoặc thậm chí vạn vật). Trực giác gắn liền với một sự kiện, hoàn cảnh riêng lẻ, tức thời, không thuộc phạm trù “hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn” hay “hiểu được suy nghĩ” của người khác. “Hiểu biết thấu đáo” thì phải gọi là “thấu hiểu” chứ sao lại là “thấu cảm”. Có bị ngộ chữ, cuồng chữ không? So sánh “giống như cái lạnh thấu vào tủy hay cái đau thấu xương” là định xếp “thấu cảm” vào loại bệnh “cảm lạnh” à? Cảm khác biệt với hiểu. Cảm diễn ra khoảnh khắc. Hiểu là cả một quá trình. Hiểu có thể lạnh lùng vô cảm. Làm gì có chuyện “khả năng đọc được tâm trí và tâm hồn của người khác là một khả năng phát triển ở những người mẫn cảm”, vì trực giác thuộc bản năng vô tư, phi lí tính. Nói “đọc được tâm trí và tâm hồn của người khác” là bốc phét, đồng bóng của mấy gã “ngoại cảm” chứ không phải trực giác dưới góc nhìn khoa học! Trẻ em, người nguyên sơ, người khuyết tật luôn có khả năng trực giác cao hơn người lớn và người hiểu biết lí tính chứ “khả năng phát triển” cái gì? Định giáo dục cho học sinh năng lực trực giác à?

Nghe nhà trực giác luận H. Bergson định nghĩa nè:

“Trực giác là bản năng vô tư, tinh thần tự nó có khả năng thâm nhập vào đối tượng của nó và mở ra vô tận”. “Giữa chúng ta và bản thân ý thức chúng ta có một bức màn xen vào, bức màn dày đặc đối với đại đa số con người, nhưng nó sẽ là bức màn mỏng, gần như trong suốt đối với nghệ sỹ”. (H.Bergson, Sức mạnh tinh thần, tr.192,193).

Theo Chu Quang Tiềm, Trực giác thuộc về Ngã, còn hình tướng thuộc về Vật. Khả năng trực giác đi đến “Vật Ngã đồng nhất” – Ta và Vật là một. (Chu Quang Tiềm, Tâm lý văn nghệ, tr.30)

Các ví dụ Đặng Hoàng Giang đưa ra minh họa không mang nghĩa nào là “hiểu thấu đáo” cả, nó chỉ có phần đúng với nghĩa đơn giản và hời hợt nhất của trực giác hay thấu cảm. Nhưng cách giải nghĩa, định nghĩa của anh ta thật ngô nghê, buồn cười, lẫn lộn giữa trực giác và tư duy lí tính.

Nó ngô nghê cũng giống như anh ta từng ngô nghê khi cùng với Tạ Bích Loan cho rằng không nên làm việc từ thiện cho người dân vùng cao, vì cái quần cái áo người Kinh đã đánh mất “bản sắc dân tộc” của họ. Anh ta không “thấu cảm” được cái rét buốt của những em bé nghèo khổ không quần không áo mà lại cao đàm khoát luận về “thấu cảm”. Đúng là thời đại kẻ đạo đức giả lên giọng dạy đạo đức!

Một văn bản thiểu hiểu biết thì bắt học sinh đọc hiểu kiểu gì? Nói tầm phào thì không sao, nhưng đưa vào đề thi phải chuẩn!

Thôi thì không trách Đặng Hoàng Giang dốt. Đứa ra đề thi cũng dốt. Trách cho một đứa dốt kéo theo dốt cả làng. Đạo đức giả là thứ vi trùng lây lan rất mạnh, nhất là trong học đường, ở chính cái môn Ngữ văn!