Pol Pot và hôn nhân tập thể

Tiêu chuẩn

Pol Pot (1928-1988)

Pol Pot (1928-1988)

Chu Mộng Long – Viết về Marx, Engels, tôi luôn xem các ông cũng như mọi triết gia khác. Không có nhà tư tưởng nào vô địch, nhưng cũng không phải vì thế họ đáng bị xổ toẹt. Cuồng tín lẫn xổ toẹt đều nguy hiểm như nhau. Tội ác không thuộc triết gia mà thuộc sự ngu ngốc và lưu manh của loài người dẫn đến triết gia bị vạ lây.

—————

Tòa án quốc tế vừa kết thúc phiên phúc thẩm và y án tù chung thân đối với các cựu lãnh đạo Khmer Đỏ. Trong bản luận tội có nói đến “hôn nhân tập thể” như một “sáng kiến vĩ đại” của chủ nghĩa cộng sản kiểu Cambot.

Cái gọi là “hôn nhân tập thể” tôi đã từng nghe khi đi làm nhiệm vụ tại Cambot. Nó có thật như một sự thực hành chủ nghĩa Marx. Và vì cái sản phẩm quái gở này mà chủ nghĩa Marx trở thành bức biếm họa trào lộng nhất trong các bức biếm họa của chủ nghĩa cộng sản. Nó trở thành một trong những bằng chứng để những người chống cộng quy tội cho các ông tổ của những người cộng sản.

Tôi thuộc số người gần như được học nhiều chủ nghĩa Marx nhất. Học từ khi đi bộ đội cho đến khi vào đại học, lên cao học… và cho đến khi hoàn thành luận án tiến sĩ vẫn còn tiếp tục học, ở lớp trung cấp chính trị, ở những giờ học nghị quyết.

Cảm giác chung là, không phải vơ tất cả, nhưng đại đa số những người dạy chủ nghĩa Marx không hiểu gì về Marx. Họ hiểu giáo điều và chính những người này đào mồ chôn chủ nghĩa Marx hơn là những người chống cộng cực đoan.

Tôi bỏ rất nhiều thời gian đọc trước tác Marx, Engels không qua các giáo trình đã bị Lenin hóa, Mao hóa, thậm chí Khổng hóa và Tần Thủy Hoàng hóa. Nhờ đó mới thấy Marx, Engels đã trở thành nạn nhân của sự ngu ngốc và lưu manh, điều mà Marx, Engels sinh thời đã từng nhìn thấy.  Engels viết rằng, những người tự xưng là “Marxist” khi đó thật ra chỉ là những kẻ không thật sự hiểu tư tưởng Marx, họ miêu tả chủ nghĩa Marx một cách “nông cạn, hời hợt, thậm chí lệch lạc, mang tính chất biếm hoạ”. “Họ là những kẻ kiếm chác lợi lộc, danh vị ở các luận điểm đó, và họ lại tạo thành những bè phái, tự nhận là Marxist”. Marx nói: “nếu đó là Chủ nghĩa Marx, thì tôi không phải là một người Marxist”. (Theo Thư Engels gửi E. Bernstein 2 – 3.11.1882, và thư Engels gửi Smith 5.8.1890, Marx – Engels toàn tập, tập 35, trang 388, 436).

Phần lớn những người mà Marx và Engels chỉ trích thời ấy là những tên tư sản hoang dã thứ thiệt, nhưng để duy trì sự tồn tại của chúng trước cơn bão đấu tranh của người lao động, chúng phải mọc thêm cái đầu cộng sản để lừa bịp, nhằm xoa dịu cơn phẫn nộ của người lao động.

K. Marx và F. Engels

K. Marx và F. Engels

Trong các trước tác của mình, Marx và Engels có phác thảo một mô hình xã hội công hữu, nhưng chỉ là công hữu về tư liệu sản xuất, tuyệt đối không có chuyện “công hữu” về hôn nhân và gia đình. Sai lầm lớn nhất của Marx, Engels là, lẽ ra đặt vấn đề về một xã hội hiện thực trong tương lai chính là sự thực hiện công bằng tư hữu thông qua cơ chế kiểm soát tư hữu bởi quyền lực nhà nướcnhà nước bị kiểm soát bởi quyền lực của nhân dân, thì trái lại, hai ông lại ảo tưởng về một xã hội công hữu phi nhà nước. Đó là cái bẫy của phủ định biện chứng mà hai ông tự sập vào đó, mặc dù chính các ông đã dùng nó như chiếc gậy Hegel để chống Hegel!

Phủ định biện chứng là logic tư biện hoàn chỉnh kể từ Hegel đã bị phá sản khi thế giới vận động theo cách của nó. Gia đình cá thể và tư hữu về tư liệu sản xuất vẫn tồn tại và phát triển mà không có chuyện quay về công hữu, dù là theo vòng xoáy trôn ốc!

Tất nhiên, dù không cổ súy công hữu gia đình và hôn nhân, nhưng việc thực hành “hôn nhân và gia đình tập thể”, một kiểu quay về thời kì quần hôn tạp hôn nguyên thủy của chủ nghĩa Pol Pot, không phải không có cơ sở từ chủ nghĩa Marx. Khi xem gia đình cá thể gắn liền với sản xuất cá thể vừa là một tiến trình văn minh vừa gia tăng sự dã man bởi sự áp bức bóc lột của kẻ mạnh đối với kẻ yếu, vô tình cái bẫy của phép phủ định biện chứng đã dọn đường cho người ta suy ra, rằng muốn xóa bỏ tận gốc tư hữu phải công hữu hóa luôn cả hôn nhân và gia đình (!?). Thảm họa bắt đầu từ lối suy luận giáo điều và ngu ngốc này! Tất nhiên, trong đó không phải không có lỗi bởi sự cả tin vào phép phủ định biện chứng mà chính Marx, Engels chưa thoát ra khỏi cái vòng lẩn quẩn của nó.

Xem lại nội dung Engels viết ở phần II, Gia đình, trong trước tác Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và nhà nước:

“Vậy, chế độ hôn nhân cá thể quyết không xuất hiện trong lịch sử với tư cách là sự kết hợp giữa đàn ông và đàn bà, lại càng không phải là hình thức cao nhất của sự kết hợp đó. Ngược lại, nó xuất hiện như là sự nô dịch của giới này với giới kia; nó tuyên bố cuộc đấu tranh giữa hai giới, một cuộc đấu tranh chưa từng được biết tới trước kia. Trong một bản thảo cũ chưa in27 do tôi và Marx viết năm 1846, có câu: “Sự phân công lao động đầu tiên là giữa đàn ông và đàn bà, trong việc sinh con đẻ cái”. Và giờ thì tôi có thể thêm: đối kháng giai cấp đầu tiên, xuất hiện trong lịch sử, ăn khớp với sự phát triển của đối kháng giữa hai giới trong chế độ hôn nhân cá thể; và sự áp bức giai cấp đầu tiên cũng ăn khớp với sự áp bức của đàn ông với đàn bà. Chế độ hôn nhân cá thể là một bước tiến lịch sử lớn lao, nhưng đồng thời với chế độ nô lệ và tư hữu, nó cũng mở ra một thời kì kéo dài tới tận ngày nay; trong đó, mỗi bước tiến đồng thời cũng là một bước lùi, sự phồn vinh và phát triển của kẻ này là nhờ sự khốn cùng và diệt vong của kẻ khác mà có được. Gia đình cá thể là tế bào của xã hội văn minh, và nhờ có gia đình cá thể mà bản chất của những mâu thuẫn và đối lập của xã hội văn minh – hiện đang phát triển cao độ – đã được nghiên cứu.
Cái tự do tương đối trước kia trong quan hệ tính giao – bất chấp thắng lợi của hôn nhân đối ngẫu, và cả hôn nhân cá thể – vẫn không hề mất hẳn:

“Chế độ hôn nhân cổ xưa, giờ đã bị thu lại trong một phạm vi nhỏ hẹp, do các nhóm punalua biến mất dần; nhưng nó vẫn kìm hãm sự phát triển của gia đình cho đến tận ngưỡng cửa của thời văn minh… Cuối cùng thì nó biến mất trong một hình thức tạp hôn mới; hình thức này đã đeo đuổi loài người trong thời văn minh, như một cái bóng của gia đình”1

Rõ ràng, trong giới hạn của vấn đề, Marx, Engels chỉ phủ nhận hôn nhân và gia đình cá thể ở vấn nạn đàn ông áp bức đàn bà hay sự hợp thức hóa mại dâm bằng hôn nhân phụ quyền đang vẫn còn tồn tại dai dẳng trong xã hội loài người. Cái đích mà Marx, Engels hướng đến chính là giải phóng phụ nữ gắn liền với giải phóng giai cấp, điều các nhà Nữ quyền luận đang làm và tiếp tục làm cho đến hôm nay. Không có chuyện chủ nghĩa cộng sản đồng nghĩa với “hôn nhân và gia đình tập thể” để loài người đi tìm lại một thứ mà tôi mỉa mai là “văn hóa loạn luân”, “văn hóa quần hôn tạp hôn”, giống như mọi thứ hỗn tạp, hỗn mang của tự nhiên đang được bọn quan chức thoái hóa vơ tất cả vào phạm trù văn hóa để nhân danh “bản sắc” hay tìm về “cội nguồn”. Bọn này có thể hoặc thầm lặng bằng hành động kín đáo hoặc công khai đánh đĩ ngôn từ đi tìm khoái lạc thông qua tiền và quyền của mình.

———–

Bài liên quan:

  1. Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và nhà nước.
  2. Sai lầm của K. Marx hay hạn chế của thực tại.
  3. Văn hóa và tự nhiên.

About chumonglong

Thấy việc nghĩa không làm là đồ hèn. Thấy việc đúng mà bất lực là đồ ngu. Thấy việc thiện mà làm ngơ là đồ ích kỉ. Thấy đồng loại đau khổ mà vẫn vui chơi là đồ bất lương. Còn sức khỏe, trí lực mà tìm chỗ ẩn cư thì cũng là phường vô đạo!

Đã đóng bình luận.