Tuyên ngôn phê bình của người cộng sản

Tiêu chuẩn

K. Marx

Chu Mộng LongTrong lúc PA83 của tỉnh khuyên tôi nên ôn hòa, kiềm chế sự phẫn nộ trong vụ việc bẩn thỉu của báo chí quốc doanh vừa rồi, họ sẽ cùng với cơ quan chức năng giải quyết rốt ráo, trả lại danh dự cho tôi. Tất nhiên, với tôi, chưa thấy chưa tin. Vụ án Trần Tín Kiệt giải quyết đến đâu, tự thân họ cũng biết. Sự vụ bôi nhọ này, dù sau này giải quyết rốt ráo đến mấy vẫn còn tổn thương đến hết đời tôi, dòng họ tôi và con cháu tôi. Tôi hứa với họ không viết về vụ việc tép riu này nữa, nhưng nhân nó mà phải viết về những cái lớn hơn, cái đâu chỉ làm nên sự phẫn nộ cho cá nhân tôi mà cho cả giới trí thức và những con người chân chính!

Thú thực, từ sau vụ án Trần Tín Kiệt, tôi đã ngủ yên với văn chương nghệ thuật, sự vụ chính trị – xã hội này lại đánh thức tôi, đánh thức toàn bộ sự phẫn nộ của lòng tự trọng con người, biến tôi thành một “nhà hoạt động xã hội” bất đắc dĩ.

Chẳng phải Adam – Eva biết làm người bắt đầu từ sự xấu hổ đấy sao. Nhưng biết xấu hổ không đồng nghĩa với che đậy cái xấu. Phải dọn dẹp nó ra khỏi môi trường cuộc sống của chúng ta, cho con cháu chúng ta có được cuộc sống trong sạch yên lành. Và hiển nhiên, chấp nhận những kẻ xấu xa đang thao túng quyền hành trên đất nước này sẽ nhân danh cái gì đó (đảng cộng sản chẳng hạn) chống lại tôi. Và tôi tuyên bố: Tôi luôn chiến đấu như một người cộng sản mà không cần thẻ đảng bảo hộ!

Ai chống chủ nghĩa Marx thì chống, còn tôi thì không. Chủ nghĩa Marx không tội tình gì, vì mọi thứ chủ nghĩa đều có chỗ lãng mạn đến hoang tưởng của nó; nhưng chính chỗ lãng mạn đó đã bị lợi dụng để lừa bịp và che đậy cho những ý đồ thực dụng bẩn thỉu của kẻ độc tài buôn dân bán nước. Thủ đoạn mà kẻ độc tài thường dùng là rao giảng luôn mồm một thứ đạo đức, tư tưởng sáng ngời của người khai sinh ra chủ nghĩa làm chỗ dựa cho tinh thần của thể chế chúng đang thao túng, làm cho người dân quên thực tế mà ru mình trong hoang tưởng.

Và thâm độc nhất là chính lý tưởng mơ màng hấp dẫn của chủ nghĩa ấy trở thành vũ khí tự vệ của bọn độc tài trước cuộc chiến hỗn loạn của các ý thức hệ tư tưởng trong thời đại toàn cầu.

Vì vậy, dùng lí luận của ý thức hệ này chống ý thức hệ kia chỉ là trò cãi chày cãi cối đến hỗn loạn, hằn học, thiếu tỉnh táo. Rốt cuộc các ý thức hệ khác nhau rồi sẽ tồn tại bên nhau, sống chung với nhau trong tính đa nguyên về tư tưởng của thế giới hiện đại. Cái chúng ta cần làm là tỉnh táo lật tẩy sự thật bằng sự phê bình quyết liệt tố cáo vào cái cụ thể, xác thực của thực tại để thức tỉnh mọi người chứ không cần lí lẽ dựng xây, và một khi thực tại bẩn thỉu ấy không còn duy trì được nữa, cái sạch sẽ tốt đẹp hơn tự nó ra đời.

Sự tỉnh táo sẽ tránh được trạng thái kích động bạo lực không cần thiết, nó nhẹ nhàng đôi khi chỉ là tiếng cười, cười vào nỗi nhục của chính đồng loại mình. Bọn độc tài mặt dày có thể không bao giờ thấy nhục, nên phải đánh sao cho dân mình thấy nhục, cái nhục nô lệ bởi sự thống trị của bọn độc tài.

Biết nhục để không còn hèn nữa mà đứng lên làm chủ thế giới, làm chủ đời mình!

Marx có thể không thiên tài trong thiết kế xây dựng, nhưng trong lịch sử nhân loại, chính Marx vẫn là thiên tài bậc nhất trong nghệ thuật sử dụng vũ khí phê bình, và không thể phủ nhận chính thứ vũ khí ấy đã làm thay đổi thế giới, mặc dù kết quả mấy thế kỉ sau và muôn đời vẫn không được như ông mơ ước.

Bài mở đầu này có tính giới thiệu về trích đoạn trong bài phê bình xuất sắc của Marx, có thể làm bài học cho sự phê bình của chúng ta hôm nay:

“…Trong cuộc đấu tranh chống chế độ xã hội ấy, phê bình không phải là sự phẫn nộ của lí trí, mà là lí trí của sự phẫn nộ. Phê bình không phải con dao mổ xẻ, mà là một vũ khí. Đối tượng của phê bình, chính là kẻ thù mà nó muốn tiêu diệt, chứ quyết không phải muốn bác bỏ. Bởi vì, tinh thần của chế độ ấy tự nó bị bác bỏ rồi. Chính chế độ ấy không phải là đối tượng đáng cho người ta phải chú ý, mà là một thực trạng đáng khinh bỉ cũng như đã bị khinh bỉ. Sự phê bình tự nó không cần thiết phải nhọc lòng tìm hiểu đối tượng đó làm gì, bởi vì nó đã nhận định được dứt khoát đối tượng đó rồi. Nó không tự cho là một mục đích tự nó được nữa, mà đơn thuần chỉ là một phương tiện. Tình cảm chủ yếu của nó là sự phẫn nộ, nhiệm vụ chủ yếu của nó là tố cáo.

… Sự phê bình chú trọng vào đối tượng đó là một sự phê bình trong hỗn chiến, và trong hỗn chiến thì vấn đề không phải là xem xem kẻ thù có phải là một kẻ thù đích đáng, một kẻ thù ngang hàng với mình, một kẻ thù đáng bõ công chú ý hay không, mà vấn đề là phải đánh cho trúng kẻ thù. Vấn đề là không được để một lúc nào cho người Đức có ảo tưởng và chịu khuất phục. Phải làm cho họ cảm thấy bị áp bức hơn là họ đang bị áp bức thực tế, bằng cách gây cho họ ý thức về sự áp bức, và phải làm cho họ cảm thấy nhục nhã hơn là họ đang bị nhục nhã bằng cách nêu sự nhục nhã đó ra trước công chúng. Cần phải trình bày mỗi giới của xã hội Đức là một partie honteuse (bộ phận nhục nhã) của xã hội Đức, và cần bắt cái chế độ khủng khiếp đó phải nghe chính khúc nhạc của nó mà nhảy múa lên. Cần phải tập cho nhân dân biết kinh khủng đối với bản thân họ để đem lại can đảm cho họ”.

(K. Marx: “Góp phần phê phán triết học về pháp luật của Hegel”, Toàn tập, tr.609, 610, Mega)

Đón đọc bài tiếp theo: Tự do báo chí trên quan điểm của Marx và thực trạng báo chí Việt Nam

https://chumonglong.wordpress.com/

Mời nghe Đoạn ghi âm rất hot vừa được tung trên youtube, thế này không lũng đoạn thể chế là gì?

http://www.youtube.com/watch?v=vFCLITewECk&feature=player_embedded&noredirect=1

About chumonglong

Thấy việc nghĩa không làm là đồ hèn. Thấy việc đúng mà bất lực là đồ ngu. Thấy việc thiện mà làm ngơ là đồ ích kỉ. Thấy đồng loại đau khổ mà vẫn vui chơi là đồ bất lương. Còn sức khỏe, trí lực mà tìm chỗ ẩn cư thì cũng là phường vô đạo!

Đã đóng bình luận.