Về dạy học chữ Hán: Kẻ tiếc của, người lo bò trắng răng!

Tiêu chuẩn

Thư pháp Hán, nguồn Google

Thư pháp Hán, nguồn Google

Chu Mộng Long – Không chấp những người mang thói quen hàm hồ quy chụp PGS Đoàn Lê Giang hay bất cứ ai chỉ cần một câu bênh vực Hán hoặc Tàu là “Hán nô”, “Tàu cộng”, ở đây chỉ trao đổi với những ý kiến nghiêm túc mang tính trái chiều về việc có nên hay không nên dạy học chữ Hán ở nhà trường phổ thông.

Xin phép được nói thẳng, không phải luận điểm nào trong bài viết của PGS Đoàn Lê Giang cũng đảm bảo thuyết phục hoặc được hiểu đúng, cho nên có nhiều ý kiến trái chiều là lẽ hiển nhiên. Điều này đã có một số người viết rồi, tôi không cần nhắc lại. Chỉ nói thêm một ý, giá như, về cái việc bỏ học chữ Hán từ khi có kí tự Latin, PGS Đoàn Lê Giang nên nói đó là một điều đáng tiếc thì câu chuyện có vẻ nhẹ nhõm hơn.

Lịch sử không bao giờ chạy ngược. Ngay từ đầu thế kỉ 20, những cụ như Vũ Đình Liên, Tú Xương cũng đã từng tiếc thương, oán thán về cái vốn cổ hay chữ Hán đã dần mất đi: “Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ” (Vũ Đình Liên – Ông đồ), “Dẫu không bia đá còn bia miệng/  Vứt bút lông đi, giắt bút chì” (Tú Xương – Đổi thi). Rốt cuộc ai có thể cứu vãn cái sẽ mất và phải mất. Lịch sử luôn là sự biến đổi và lựa chọn khôn ngoan (kể cả tàn phá ngu xuẩn). Không học chữ Hán thì học chữ Tây, không học chữ Tây thì học kĩ chữ Ta. Học đến nơi đến chốn một thứ đã là phúc lớn rồi, hơn là cái gì cũng biết mà không biết gì. Chữ nào cũng chỉ để phục vụ giao tiếp và hiểu biết theo nhu cầu của cá nhân và thời đại. Hiểu đúng, viết đúng tiếng Việt không hẳn hoàn toàn phụ thuộc hiểu và viết tốt chữ Hán. Nhân cách cũng không liên quan gì đến cái vốn cổ kia!

Đành rằng cái gì mất thì tiếc, nhưng theo tôi, có oán thán là oán thán cho cái nền giáo dục sáng nắng chiều mưa này. Nhớ cái thời của chúng tôi, mãi đến khi vào đại học mới được học ngoại ngữ. Ban đầu cổ súy tiếng Trung, khi xung đột với Trung Quốc thì buộc nhảy sang học tiếng Nga, khi Liên Xô sụp đổ thì cả nước chạy ào sang tiếng Anh. Hậu quả, gì cũng biết, nhưng cái gì cũng dở dang. Giáo dục mà cứ như con điếm, hết theo thằng này lại chạy theo thằng khác, người học không dưng thành những đứa con cẩu tạp chủng, không oán thán là gì?

"Thư pháp Việt". Nguồn Google

“Thư pháp Việt”. Nguồn Google

Quay lại chuyện nên đưa hay không đưa chữ Hán vào học phổ thông. Trước hết, tôi nhắc lại quan điểm, chữ Hán không là ngoại ngữ mà là tiếng Việt trước thế kỉ 20 gắn liền với nền văn hóa Hán mà cha ông ta đã sử dụng. Có điều kiện học tốt món này là để hiểu biết và bảo tồn di sản cha ông chứ không nô dịch thằng nào cả. Còn lúc này tôi chỉ có thể nói gọn một câu, rằng các lão sư của chúng ta do nuối tiếc quá khứ, tức tiếc của, mà nổi hứng lên đòi đưa vào nhà trường phổ thông, đòi từ tiểu học nữa cơ, chứ sự thật là bất khả!

Bởi vì lẽ đơn giản thế này: ai sẽ đứng ra dạy chữ Hán mà các lão sư muốn sang vậy? Có đến mươi năm đào tạo rồi mà ngành giáo dục còn chưa có đủ lực lượng để dạy tiếng Anh cho có chất lượng thì lấy đâu ra giáo viên dạy Hán – Nôm? Ở trường đại học, chỉ dành cho ngành Ngữ văn thôi mà còn tìm đến mỏi con mắt, huống hồ là phổ thông? Chẳng nhẽ bắt giáo viên dạy tiếng Việt kiêm luôn dạy chữ Hán?

Mà đã thế thì, nhiều người cứ lo xa, rằng đừng bắt các cháu phải gồng gánh thêm cái thứ chữ rắc rối ấy, có phải lo bò trắng răng không? Tôi thách anh Nhạ cứ liều lĩnh đưa chữ Hán vào dạy học ở nhà trường phổ thông đi, xem thử lấy ai đứng ra dạy? Hay là mời người Hán sang dạy cho các cháu?

Thực lòng tôi cũng tiếc của, nhất là đứt từng khúc ruột khi biết những kẻ ngu dốt không chỉ đã từng âm mưu xóa sạch quá khứ bằng cách đập phá chùa chiền mà những gì còn lại cũng đang bị thay thế – chuyển chữ Hán phượng múa rồng bay mang hồn cổ xưa kia thành những kí tự vô hồn. Nhưng biết làm sao được khi người ta đã lỡ đẩy bánh xe lịch sử trượt ra khỏi giới hạn cần thiết để rồi đi từ lệch lạc này đến lệch lạc khác!

————-

Quan điểm của tôi về vấn đề dạy học chữ Hán, cách thức và liều lượng như thế nào, tôi đã nói từ ngày này năm trước, cũng nhân một bài viết tương tự của PGS Đoàn Lê Giang. Các bạn đọc hiểu kĩ rồi hãy ném đá! Và nhắc một câu: ai chụp mũ tôi hay PGS Đoàn Lê Giang là “Hán nô”, “Tàu cộng” thì đi chỗ khác mà đối thoại với những kẻ quen chụp mũ!

Bài liên quan được viết từ một năm trước: Học chữ Hán, sao lại không?

About chumonglong

Thấy việc nghĩa không làm là đồ hèn. Thấy việc đúng mà bất lực là đồ ngu. Thấy việc thiện mà làm ngơ là đồ ích kỉ. Thấy đồng loại đau khổ mà vẫn vui chơi là đồ bất lương. Còn sức khỏe, trí lực mà tìm chỗ ẩn cư thì cũng là phường vô đạo!