Khoa học và phản khoa học – Trao đổi với ông Nguyễn Hữu Đạt

Tiêu chuẩn

PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, nguồn Soha.

PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, nguồn Soha.

Chu Mộng Long – Nói trước để khỏi tranh luận lạc đề, tôi không cổ súy việc bắt buộc phải đưa chữ Hán vào nhà trường phổ thông trong tình hình hiện nay, cả lí do chính trị lẫn giáo dục, nhưng thấy trái tai thì phải tranh luận. Thời buổi mất niềm tin này không ai có quyền nhân danh một cái mác giáo sư hay tiến sĩ áp đặt quan niệm cá nhân lên mọi người. Bài viết này không bênh vực ai mà chỉ phản biện ý kiến cá nhân của ông Đạt về vấn đề học chữ Hán.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Đạt, Chủ nhiệm Bộ môn Việt ngữ học, Khoa Ngôn ngữ, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, (ĐHQG Hà Nội) đã chính thức đưa ra ý kiến phản đối việc đề xuất đưa chữ Hán vào nhà trường của nhóm chuyên gia Hán–Nôm. Ông Đạt cho rằng, những ý kiến đó là phản khoa học. Đọc hết bài phát biểu của ông, phải nói thật, nói thẳng rằng, ông Đạt nhân danh khoa học phản biện một vấn đề khoa học mà không khoa học tí nào.

Tôi không là chuyên gia ngôn ngữ học, nhưng tôi tin tôi đã đọc và tôi hiểu đúng chuyên môn ngôn ngữ học. Và tôi thấy ông rất sai! Cái sai ấy tác hại đến học thuật, nhất là đến nhận thức của sinh viên ông đang đào tạo.

Ý kiến ông Đạt chỉ đúng ở một luận điểm mà nhiều người không cần chuyên môn cũng biết và đã phê thắng thắn PGS. Đoàn Lê Giang: Học chữ Hán để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là vô lí. Phê luận điểm này rất đơn giản, chỉ cần một phản đề: nhiều người không hề biết chữ Hán, họ vẫn dùng tiếng Việt rất trong sáng và ngược lại!

Nhưng cái điều ngược lại mà ông Đạt nhấn mạnh ở bài phỏng vấn này lại tự chứng minh ông rất sai: “Thực tế qua 40 năm giảng dạy ở trường Đại học, tôi dạy rất nhiều thế hệ học sinh Hán Nôm thì thấy, cũng có những người rất giỏi nhưng đa phần các bạn học chữ Hán Nôm thì viết tiếng Việt thường kém hơn các bạn học các sinh ngữ như tiếng Anh, Nga, Pháp…”. Lấy một vài hiện tượng ông đã “thấy” rồi khái quát đó như là một “tác hại khôn lường” thì tôi cũng có thể dẫn ra hàng ngàn những ông, những bà rất giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp nhưng viết tiếng Việt cực kém! Ông nghĩ sao?

Xem ra, việc giữ gìn sự “trong sáng” (*) của tiếng Việt, như tôi đã nói, không hề phụ thuộc vào cái gì ngoài chính nó. Sự trong sáng của một ngôn ngữ chỉ phụ thuộc vào năng lực cá nhân sử dụng, và đặc biệt không phụ thuộc vào kí tự, dù là chữ Hán hay kí tự Latin. Nhiều người không cần học chữ, và phải nói thêm, không cần học cái món ngữ pháp cấu trúc với cụm chủ vị, thành phần câu mà mấy ông Việt ngữ học như ông Đạt lâu nay bắt học sinh học từ tiểu học lên đến đại học ấy, họ vẫn nói lưu loát và hết sức trong sáng. Họ còn làm thơ, kể chuyện hay hơn mấy ông học nhiều chữ đấy ạ. Văn học truyền miệng của dân gian là một điển hình!

Tôi nhấn vào lỗi lập luận trên để đi đến một vấn đề cốt tử mà một nhà ngôn ngữ như ông Đạt đã bị mắc lỗi nghiêm trọng do hiểu biết lỗ mỗ rồi phát ngôn tùy tiện.

Trước tiên, nếu là người ngoài chuyên môn thì không chấp, trong khi ông Đạt là một nhà ngôn ngữ học lại bị lẫn lộn ngay trong chính cách sử dụng thuật ngữ chuyên môn. Ông đánh đồng kí tự (characters) với ngôn ngữ (language) nên mới cho chữ Hán là tử ngữ. Hai khái niệm ngôn ngữkí tự, tôi nghĩ người học ngôn ngữ học trình độ sơ giản nhất cũng phân biệt được. Bài trước, tôi đã phân biệt cho những người ngoài chuyên môn rõ hai khái niệm này. Và ở đây, thưa ông Đạt, tử ngữ là khái niệm chỉ một ngôn ngữ cổ xưa ngày nay không ai dùng để nói nữa (chứ không phải viết ở dạng kí tự nhé!). Chẳng hạn, tiếng Latin, tiếng Sanskrit là những tử ngữ, bởi vì tiếng Latin, tiếng Sanskrit không còn được dùng trong giao tiếp hàng ngày. Còn việc chuyển từ phức tạp sang đơn giản là hiện tượng phổ biến về mặt kí tự của mọi sinh ngữ. Tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh,… đều xảy ra hiện tượng ấy. Tiếng Việt từ thời Alexandre de Rhode ghi bằng chữ Latin đến nay đã có bao nhiêu biến đổi, nhưng kí tự không làm thay đổi ngôn ngữ với tư cách là tiếng nói của một cộng đồng bản ngữ. Tiếng Anh có cả ngàn từ đa âm tiết đã chuyển sang ít âm tiết hơn, không có nghĩa những từ đa âm ấy là tử ngữ. Ông Đạt cho việc chữ Hán được người Trung Hoa hiện đại chuyển từ phồn thể sang giản thể thì cái chữ Hán phồn thể xưa đã là một tử ngữ là nói bừa, rất thiếu hiểu biết. Đó là tôi chưa nói người Đài Loan vẫn dùng chữ Hán phồn thể để ông khỏi phải khai tử luôn người Đài Loan!

Ông xem “chữ Hán là chữ của người Hán” cũng là một hiểu biết thiển cận, không khác định kiến của những người bình thường. Nói vậy thì theo ông Đạt, chữ của người Việt thực sự là chữ gì? Chữ “con giun” cổ như nhiều người giả thiết hay là chữ Latin hiện nay? Cũng ở bài trước, khi giải cái định kiến xem học chữ Hán là “Hán nô”, tôi viết: “Kí tự (characters) không là sản phẩm riêng của dân tộc nào mà là tài sản chung của cả một khu vực các cộng đồng chịu ảnh hưởng lẫn nhau. Thực tế, trên thế giới dù có hàng trăm dân tộc và hàng trăm ngôn ngữ khác nhau, nhưng chỉ có ba bốn nhóm kí tự tương ứng với các nền văn minh. Nhiều dân tộc có ngôn ngữ nhưng không có hoặc không cần kí tự. Các nhà ngữ học thế giới lấy cái nôi văn minh của một khu vực mà đặt tên cho các nhóm kí tự và điều ấy không đồng nghĩa với sự sở hữu độc quyền của dân tộc được gắn cho tên gọi ấy. Không có chuyện chữ Hán là độc quyền của người Hán hay kí tự Slav là độc quyền của người Nga. Từ đầu thế kỉ 20, người Việt bỏ chữ Hán để sử dụng kí tự Latin là một sự lựa chọn có tính lịch sử, do sự thích hợp và tiện dụng của lối chữ ghi âm, kể cả do tác động bởi sức mạnh ảnh hưởng của văn hóa, văn minh phương Tây. Không có chuyện, các dân tộc sử dụng chung một loại kí tự là dân tộc này bị nô dịch dân tộc kia.” (xem tại đây).

Tóm lại, kí tự hay chữ viết chỉ là kí sinh của ngôn ngữ. Giới ngôn ngữ học không ai không biết điều này, trừ ông Đạt?

Đó là chưa nói những cái sai tiểu tiết. Chỉ có Hàn Thuyên tên thật là Nguyễn Thuyên (1229-?) chứ không thấy ai gán vào đó là Hàn Thuyên Nguyễn Sĩ Cố (?- 1312) cả, ông Đạt ạ!

Cuối bài phỏng vấn, ông nhấn mạnh học là để phát triển chứ không phải để thụt lùi. Ông nói “Ở Nhật hay Hàn Quốc họ phát triển đâu phải do chữ Hán, mà là do họ tiếp xúc sớm với văn minh phương Tây”. Điều này hoàn toàn đúng. Nhưng nếu triết lí giáo dục mà chủ trương chỉ có học để phát triển thì tại sao các ông không đề nghị dẹp bỏ tất cả những tri thức, môn học có liên quan đến quá khứ? Học chỉ để phát triển theo nghĩa chạy theo vật chất thực dụng thì tôi nghĩ toàn bộ các môn học nhân văn như ngôn ngữ học, văn học, mĩ học… mà các ông đang dạy từ cổ đại đến hiện đại ấy… cũng không cần thiết chứ cứ gì là chữ Hán? Thưa ông Đạt, triết lí giáo dục hiện đại là học không chỉ để phát triển vật chất một cách thực dụng như ông và nhiều người nghĩ mà còn tiếp thu những giá trị tinh thần của nhân loại: học để hiểu biết, để làm người, để cống hiến… Ngay cả học để phát triển thì cũng không đồng nghĩa với một sự phát triển không nền tảng, cắt đứt hoàn toàn với cội nguồn. Sự thật Nhật, Hàn, hay bất cứ quốc gia nào phát triển bền vững cũng đều dựa vào nền tảng, cội nguồn cả đấy. Chỉ có ăn xổi ở thì mới bất chấp những gì vốn có. Mà ăn xổi ở thì thì thưa ông, không cần phải học đâu ạ!

Quan niệm của tôi, chữ Hán là một tri thức, nếu không nói là một tri thức văn hóa rất căn bản. Không có tri thức nào phục vụ cho mục đích giáo dục trên là không cần thiết, trừ kẻ lười học hoặc không cần học!

Cuối cùng, cho rằng học chữ Hán là nặng nề đối với trẻ em ư? Làm như cái loại chữ tượng hình vừa trực quan vừa trừu tượng ấy là hoàn toàn xa lạ hay quá sức với trẻ em và xưa nay người ta chưa từng học được vậy! Đạo học không đến bằng đường tắt. Học hiển nhiên là không dễ như ăn món ăn người ta đã dọn sẵn. Lỗi tại giáo dục Việt Nam không có nền tảng căn bản, nói trên trời dưới đất thì huyên thuyên nhưng trở về căn bản thì thấy khó khăn. Bệnh đại khái và biếng học là một trong những nguyên nhân sinh ra ý kiến xem học chữ Hán là khó khăn phức tạp. Thưa các ông, hiện nay trong chương trình và sách giáo khoa có muôn thứ thừa thãi và nặng nề không thuộc tri thức người ta vẫn bắt trẻ em học và thuộc lòng, đó mới là cái đáng nói, nhưng tại sao các ông không dám thẳng thắn đề nghị bãi bỏ những thứ ấy đi???


(*) Thực ra, khái niệm “trong sáng” và quan niệm “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” là cách nói tù mù nhất nhưng mọi người lại bị ảnh hưởng và hay nhai lại như một chân lí. Tôi nhớ đây là câu của ông Phạm Văn Đồng trong một bài viết mở đầu cho một cuốn sách. Thế nào là “trong sáng”? Ngôn ngữ thuần khiết ư? Không bao giờ có chuyện đó. Bất cứ ngôn ngữ nào cũng có sự pha tạp, lai tạp khi diễn ra giao thoa văn hóa. Rõ ràng, dễ hiểu ư? Có những vấn đề ngôn ngữ không thể diễn đạt rõ ràng, dễ hiểu được. Không phải vô lí khi các triết gia chống thuyết lấy ngôn ngữ làm trung tâm, cho rằng ngôn ngữ chỉ làm mờ đục bản thể và sự thật.

——————————–

Bài phát ngôn của PGS Nguyễn Hữu Đạt trên Soha: PGS nói về đề xuất dạy chữ Hán: “Sao bắt con em ta học tử ngữ?”

About chumonglong

Thấy việc nghĩa không làm là đồ hèn. Thấy việc đúng mà bất lực là đồ ngu. Thấy việc thiện mà làm ngơ là đồ ích kỉ. Thấy đồng loại đau khổ mà vẫn vui chơi là đồ bất lương. Còn sức khỏe, trí lực mà tìm chỗ ẩn cư thì cũng là phường vô đạo!

Đã đóng bình luận.