Ngày tập huấn thứ 2: Dự án “treo đầu dê bán thịt chó”

Tiêu chuẩn

sachtaphuana

Trang bìa sách thành phẩm của dự án

Chu Mộng Long – Một dự án, nói theo lời một cử tọa trong đợt tập huấn (chứ cá nhân tôi không dám mạo phạm), là treo đầu dê bán thịt chó. Thành quả của nó, một là chẳng ăn nhập vào đâu trong cái tên dự án trị giá gần 50 triệu USD, hai là quá tốn kém cho một phế phẩm, ba là bất khả thi, vì nếu có đem ra áp dụng, nó chỉ có thể kéo lùi nền giáo dục của chúng ta về lạc hậu hoặc xuống vực thẳm.

Viết bài thứ 2 trong đợt tập huấn này, trước tiên, tôi xin cáo lỗi những đồng nghiệp ở Đại học Sư phạm Huế đã tham gia dự án, vì các bạn chỉ là người thi hành mệnh lệnh. Nhưng các bạn đừng quên các bạn không phải ở tuổi vị thành niên, các bạn không phải hoàn toàn không có lỗi khi tiếp tay cho cái sai, cái xấu.

Bào chữa cho các bạn, tôi cũng đã bào chữa trong lúc thảo luận rồi.

Bài này chỉ nhắc lại nội dung những câu hỏi chất vấn công khai trong đợt tập huấn mà các bạn lẫn lãnh đạo Bộ không hoặc chưa trả lời được.

Sau khi phát một quyển sách dày cộp khổ lớn gần 400 trang, các đại biểu thuộc các ngành đào tạo khác nhau về phòng nghỉ, thức đêm đọc trước cho hết để hôm sau từng nhóm nghe báo cáo và thảo luận.

Nói là thảo luận cho dân chủ, nhưng ván đã đóng thuyền rồi. Dự án đã hoàn tất. Còn đây chỉ là bước triển khai thực hiện để giải ngân hết 50 triệu USD hoặc có thể phát sinh nhiều hơn.

Không biết các nhóm khác thế nào, riêng nhóm các trường đại học có đào tạo ngành Mầm non ngồi cả buổi sáng lác mắt nghe báo cáo cái đã biết rồi, khổ lắm: Chương trình đào tạo theo quy chế tín chỉ cho ngành Giáo dục mầm non. Thì đấy, đào tạo theo quy chế tín chỉ nhiều trường đã triển khai hơn 3 năm nay, nội dung trình bày bên trong quyển sách và trên bản báo cáo của báo cáo viên vẫn là khung chương trình niên chế được chuyển đổi sang tín chỉ, rồi đề cương chi tiết các học phần.

Điều chưa biết ở đây là cái tiêu đề nghe rất lạ: Chương trình đào tạo [chương trình chi tiết] đào tạo giáo viên trung cấp chuyên nghiệp theo học chế tín chỉ ngành giáo dục mầm non.

Xin thưa các hạ, lần thảo luận này, tôi không phát ngôn trước mà để cho các bạn trẻ của nhiều trường phát ngôn trước chứ không lại mang tiếng phát động dân chủ gây nguy hiểm cho… Bộ.

Phát ngôn thứ nhất hỏi báo cáo viên: Chương trình đào tạo giáo viên trung cấp chuyên nghiệp ngành mầm non (tức đào tạo ra giáo viên có trình độ đại học về nhận nhiệm sở ở trường trung cấp chuyên nghiệp để đào tạo ra giáo viên mầm non có trình độ trung cấp – nghe loằng nhoằng hè!) khác gì với chương trình đào tạo trực tiếp (tức không cần cái trung gian loằng nhoằng kia) ra giáo viên mầm non có trình độ đại học? Chúng tôi thấy chẳng có gì khác nhau, phải chăng các vị cố tình nhét cái này vào cái kia thành một cái dự án treo đầu dê bán thịt chó?

Phát ngôn thứ 2 hỏi báo cáo viên: Hiện nay trên toàn quốc chỉ còn có hai trường trung cấp chuyên nghiệp đào tạo giáo viên mầm non, mà nay mai hoặc hai trường này nâng lên cao đẳng hoặc có nguy cơ xóa sổ, liệu cái dự án này có khả thi?

Phát ngôn thứ 3 hỏi báo cáo viên: Quy chế đào tạo tín chỉ (Quy chế 43) và Luật Đại học hiện hành không dùng khái niệm Chương trình khung hay Khung chương trình, tức Bộ không áp đặt nữa mà chỉ đưa ra chuẩn chung cần đạt và giao cho các trường tự chủ xây dựng Chương trình đào tạo, tại sao nội dung được trình bày trong quyển sách và theo báo cáo của báo cáo viên là căn cứ vào Chương trình khung của Bộ?

Phát ngôn thứ 4 hỏi báo cáo viên: Đã áp dụng quy chế đào tạo tín chỉ mà tại sao trong báo cáo lại có nói đến việc lựa chọn hình thức, môn thi, và làm luận văn tốt nghiệp?

Phát ngôn thứ 5 hỏi báo cáo viên: Gọi là đào tạo giáo viên trung cấp chuyên nghiệp mà nội dung chương trình đào tạo lại có đủ các môn học từ triết học đến khoa học tự nhiên, từ tâm lí, giáo dục học đến xã hội học, từ văn học đến đủ các loại hình nghệ thuật trong vòng 4 năm thì chuyên nghiệp ở chỗ nào? Nhà tuyển dụng là trường trung cấp chuyên nghiệp nào dám sử dụng loại sản phẩm không chuyên này?

Phát ngôn thứ 6 hỏi báo cáo viên: Phần mục tiêu trong sách và trên báo cáo có ghi: “Có kiến thức GDĐC đủ rộng, nắm vững các kiến thức chuyên ngành, đảm bảo dạy tốt các môn học và các hoạt động giáo dục trong CTĐT GVMN trình độ trung cấp, được nâng cao về một hướng chuyên sâu để có thể trở thành GV dạy học ở các trường TCSP và học tiếp lên trình độ cao hơn theo hướng chuyên sâu đó”. Mục tiêu là “phải đạt được” chứ sao lại “có thể”. Mà nữa, phần kiến thức tự chọn để “chuyên sâu” chỉ có 16 đơn vị tín chỉ cho 8 học phần khác nhau thì chuyên sâu chỗ nào, làm sao đạt tới trình độ chuyên nghiệp để dạy cho sinh viên trung cấp chuyên nghiệp? Khi xây dựng chương trình đào tạo tín chỉ, hiển nhiên luôn có phần mềm tự chọn chứ cần gì phải là chương trình đào tạo ra giảng viên dạy trung cấp mới có phần này?

Phát ngôn thứ 7 hỏi báo cáo viên: Trong tài liệu tập huấn ghi có tham khảo chương trình của 5 trường đại học lớn trên thế giới (South Australia, Flinders, Melbourne, Otago, Suan Dusit Rajabhat), đề nghị báo cáo viên thử đưa ra bảng danh mục các học phần trong chương trình của một trường nào đó  chúng tôi xem thử dự án đã áp dụng gì của họ?

Còn nhiều câu hỏi nữa đã làm hội trường nóng rực trong buổi sáng. Chẳng hạn, phần thực tập ghi địa chỉ thực tập là các trường trung cấp chuyên nghiệp, trong khi giảng viên được tuyển dụng ở trường trung cấp chuyên nghiệp hay cao đẳng, đại học là phải qua tập sự chứ làm gì có thực tập? Chẳng lẽ chúng tôi dạy ở đại học cũng phải qua thực tập ở trường đại học à?

Thấy báo cáo viên ấm ớ không trả lời được câu nào, tôi đã đứng lên tìm cách bào chữa cho báo cáo viên và đề nghị chuyển sang buổi chiều, mời lãnh đạo Bộ và chủ dự án đến nghe và trả lời.

Buổi chiều, chương trình còn một ngày rưỡi nữa nhưng các đại biểu của nhiều trường đã tẩy chay, hoặc bỏ về hoặc đi Bà Nà chơi cho mát mẻ. Chỉ còn đoàn trường Quy Nhơn và vài ba đại biểu ở trường khác ở lại để “hưởng thụ” cho hết suất trong dự án 50 triệu USD!

Không thấy lãnh đạo Bộ đâu. Chỉ có TS. Nguyễn Văn Khải (xin lỗi không biết đã có PGS hay GS gì chưa?) đại diện cho chủ dự án đến dự. Ông ta nói lòng vòng hết gần 30 phút toàn chuyện đâu đâu chẳng liên quan gì đến các câu hỏi thắc mắc trên và xin phép… chuồn. Khi bị cử tọa câu lưu bắt trả lời các câu hỏi trên, TS. Khải nói gọn: Dự án bắt đầu từ năm 2007, có nhiều chỗ chưa cập nhật theo quy chế và luật mới. Nay dự án đã hoàn thành cho nên không cần phải bàn cãi. Còn nếu có gì sai thì cứ coi như chúng ta đến đây tập huấn rút kinh nghiệm từ cái sai ấy cũng tốt chứ sao! Xin thưa các thầy cô, dự án được triển khai rất chặt chẽ, có tổ chức đấu thầu và chọn thầu khách quan, công trình đã được thông qua nhiều Hội đồng khoa học uy tín thẩm định, đánh giá, kết luận rồi, nên các thầy cô có bác bỏ cũng vô nghĩa!

Giời ạ, thưa ông Khải, tôi đứng lên nói, và cũng thật vô nghĩa khi cái công trình này tiêu tốn hàng chục triệu đô mà bây giờ coi như ván đã đóng hòm rồi. Chúng tôi phải phục lăn các loại Hội đồng do Bộ lập ra, qua nhiều lớp thẩm định chặt chẽ thế mà lại cho ra thứ phế phẩm này! Xin báo cáo Bộ, nhiều trường đại học đã áp dụng từ lâu Quy chế 43, đang tìm cách tháo gỡ những vướng mắc của cơ chế cũ để tối ưu hóa, hiện đại hóa hệ thống chương trình, nội dung, phương pháp và chất lượng đào tạo, nay các ngài đưa ra một chương trình lạc hậu, cũ kĩ, bất khả thi, sai Quy chế, vi phạm cả Luật Đại học bắt chúng tôi tập huấn, há chẳng phải các ngài bắt chúng tôi lùi lại cái giai đoạn nửa dơi nửa chuột kia, hay cố ý xúi giục chúng tôi cùng các ngài đẩy giáo dục nước nhà xuống vực cho nhanh?

Phát triển giáo viên, xây dựng chương trình là nghĩa vụ, trách nhiệm phải làm, dự án dự éo gì đến 50 triệu đô vay nợ để thế hệ tương lai phải oằn lưng ra trả, trong khi hiện tại cả triệu giáo viên mầm non lương thấp không đủ sống, nhiều người phải bỏ nghề, có ác không?

Bài liên quan:

Vấn tội hay thú tội về việc mở ngành đào tạo sai quy định

– Cháy nhà ra mặt chuột – Nhiều gian lận trong mở và duy trì ngành đạo tạo sai quy định

Nụ cười trẻ thơ và sự nhọc nhằn của cô giáo

Các cô giáo tiểu học, mầm non lội bùn dơ băng lau lách vào vùng sâu, ăn ở và dạy trong những lán trại như trại vịt

——————————-

Thông tin dự án: Phát triển giáo viên THPT và TCCN

Mục tiêu chính: Nâng cao chất lượng giáo dục Trung học phổ thông (THPT) và Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) thông qua việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; giải quyết cơ bản tình trạng vừa thiếu, vừa yếu và không đồng bộ của đội ngũ giáo viên THPT và TCCN hiện nay.

Lĩnh vực chuyên môn:

Loại dự án:

Tổng kinh phí: Tổng kinh phí của dự án ước tính 43,186 triệu đôla Mỹ, trong đó ADB cung cấp khoản vay tương đương 34 triệu đôla Mỹ (chiếm khoảng (78,7%) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 9,186 đôla Mỹ (chiếm 21,3%).

Thời gian thực hiện: 1/2007 đến 31/12/2011

Loại hình tài trợ: vốn vay ADB

Nhà tài trợ: ADB

Tình trạng dự án: đang hoạt động

 Nguồn: http://www.moet.gov.vn/?page=1.33&view=1723

About chumonglong

Thấy việc nghĩa không làm là đồ hèn. Thấy việc đúng mà bất lực là đồ ngu. Thấy việc thiện mà làm ngơ là đồ ích kỉ. Thấy đồng loại đau khổ mà vẫn vui chơi là đồ bất lương. Còn sức khỏe, trí lực mà tìm chỗ ẩn cư thì cũng là phường vô đạo!

Đã đóng bình luận.