Một nhận xét nhanh về trí thức Việt Nam

Tiêu chuẩn

Hình ảnh chỉ để tham khảo, không liên quan đến bài viết (ảnh google)

Chu Mộng Long: Một số người bênh vực cho vị bác sĩ tự thú và nhận lỗi lầm sau khi bị phát hiện viết một Stt ngắn “bôi nhọ” Tư lệnh ngành của mình. Tôi không bênh vực nổi khi nhận ra đó là nỗi nhục lớn của trí thức.

Bôi nhọ hay không xin đọc lại nguyên văn:

“Mụ ni về nghỉ là vừa, để các GS có kinh nghiệm, chuyên môn y lên thay và dẫn dắt ngành y sang một bước tiến mới. Chỉ một việc an ninh bệnh viện mà không tham mưu nổi cho CP can thiệp mà làm bộ trưởng. Bà có đi về cơ sở đâu mà hiểu nỗi khổ các y, bs tuyến cơ sở” (1).

Các tiếng nói bênh vực gần như là một sự đồng cảm với vị bác sĩ, rằng nếu không tự thú và nhận ra lỗi lầm về tội “bôi nhọ lãnh đạo” thì anh ta sẽ không yên thân với công việc và miếng cơm manh áo, thậm chí có thể bị chết bất đắc kì tử ở đồn công an (!?)

Đọc bản kiểm điểm này, tôi cũng muốn làm bạo chúa!

Tôi nhận thấy ở đó một sự ám thị sợ hãi quá nặng nề. Lý luận cho sự bênh vực hay thông cảm này nằm ở chỗ, có vị giáo sư cho rằng vị bác sĩ kia là “con người thực tế”!

Theo tôi, ranh giới giữa cái gọi là “con người thực tế” với “con người hèn nhát”, “con người cơ hội” rất mong manh. Sự thực, trí thức Việt Nam “thực tế” đến mức họ chỉ biết đến địa vị, miếng cơm manh áo của mình. Họ chỉ lên tiếng khi lợi ích của mình bị xâm phạm, còn của kẻ khác thì sống chết mặc bay. Cho nên, khi bị đe dọa hoặc được dụ dỗ mua chuộc, họ trở nên hèn nhát đến mức trở thành kẻ đầu hàng, phản bội và làm tay sai cho quyền lực. Bản chất “con người hèn nhát”, “con người cơ hội” được ngụy biện hay bào chữa, thậm chí tự hào là “con người thực tế”.

Nói “trí thức không bằng cục phân” là hạ nhục quá đáng, nhưng những nhà cách mạng vô sản từng xếp trí thức vào thành phần dao động không phải là không có cơ sở.

Theo những gì báo chí ghi nhận, vị bác sĩ kia viết cái Stt về Tư lệnh ngành của mình là trong lúc máu đã ngấm rượu bia, chờ đến khi đối mặt với cơ quan chức năng thì mới tỉnh táo thú tội và tự kiểm điểm để hối cải. Điều này rất đúng với quan sát của tôi về nhiều trí thức. Đúng là lúc có rượu bia, nhiều anh dũng cảm đến mức “đéo sợ” ai, chửi vung vít, nhưng trước các diễn đàn chính thống lại im thin thít theo cái triết lý “ngậm miệng ăn tiền”. Tôi hình dung hành vi của bác sĩ kia còn có khía cạnh của một đứa trẻ con, chưa kịp cãi người lớn một câu đã run sợ trước đòn roi đe dọa. Đại diện Bộ Y tế nói, công văn của mình không phải trừng phạt mà chỉ có ý nghĩa giáo dục. Kết quả giáo dục ấy không khác phân tích của Jean-Jacques Rousseau về sự bạc nhược của em bé trước phương thức giáo dục bạo hành: “những ý tưởng đầu tiên của trẻ là những ý tưởng về quyền lực và sự khuất phục! Nó bị hạ lệnh trước khi biết nói, nó vâng theo trước khi có thể hành động; và đôi khi người ta trừng phạt nó trước khi nó có thể biết lỗi, hoặc nói đúng hơn là có thể phạm lỗi” (2).

Tôi tin chắc vị bác sĩ tội nghiệp kia không biết rõ mình mắc lỗi gì ngoài run sợ bởi cách xưng hô “mụ ni” với cấp trên của mình. Không khác đứa trẻ ngoan ngoãn trước người lớn đang phùng mang trợn mắt với chiếc roi trên tay, dù anh ta thừa biết thể chế mà cha của anh ta đã đổi lấy mạng sống để thực hiện lý tưởng “cán bộ là đầy tớ trung thành của nhân dân”. Tôi tin chắc, Bộ trưởng Y tế dù có là Mụ Giời (Thiên Mụ) thì cũng không thể không có khuyết điểm để cấp dưới có quyền chỉ trích.

M. Bakhtin, nhà lý luận Marxist người Nga, khẳng định, kể từ khi Prometheus dám cất lên tiếng nói chống lại Zeus, cuộc sống tự nó đã hình thành nên tiếng nói đa thanh, không thể còn tồn tại một tiếng nói thay cho mọi tiếng nói, trừ phi nhân loại bị kẻ độc tài cắt lưỡi (3).

Đến đây thì tôi càng tin chắc, độc tài không là chủ trương của đảng cầm quyền với tư cách là đảng cộng sản, mà chủ yếu do sự bạc nhược của cả một cộng đồng đã sinh ra và nuôi dưỡng độc tài.

Dân chủ không ai cho không mà chính người dân phải biết giành lấy.

Chỉ trích để tiến bộ được ghi rõ trong luận cương Tự chỉ trích của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và từng là kim chỉ nam hành động của người cộng sản. Bộ trưởng Y tế là đảng viên cộng sản hay là bạo chúa thời phong kiến còn sót lại?

Hồ Chí Minh nói, dân chủ là làm cho dân biết mở miệng (4). Dân vừa mở miệng đã bị bịt miệng thì kêu gọi học tập và làm theo gương Hồ Chí Minh để làm gì?

K. Marx nói, khi người lao động không ý thức đầy đủ nỗi nhục nô lệ của mình, người lao động sẽ đời đời kiếp kiếp làm nô lệ; và mỉa mai thay trong bóng tối của lịch sử, họ còn biến nỗi nhục ấy thành chân trời hạnh phúc khi được làm nô lệ (5). Điều Marx nói đúng cho trí thức hơn là cho tất cả những người lao động.

———–

(1) Theo Người Lao động online

(2) J.J. Rousseau (2010), Émile hay là về giáo dục, NXB Tri thức, tr.47.

(3) M. Bakhtin (2006), Sáng tác của Francois Rabelais và nền văn hóa dân gian trung cổ và Phục Hưng, NXB Khoa học xã hội.

(4) Hồ Chí Minh (1990), Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật.

(5) K. Marx (1891), Lao động làm thuê và Tư bản, bản tiếng Anh.

About chumonglong

Thấy việc nghĩa không làm là đồ hèn. Thấy việc đúng mà bất lực là đồ ngu. Thấy việc thiện mà làm ngơ là đồ ích kỉ. Thấy đồng loại đau khổ mà vẫn vui chơi là đồ bất lương. Còn sức khỏe, trí lực mà tìm chỗ ẩn cư thì cũng là phường vô đạo!

Đã đóng bình luận.