Viết sai có phải nằm trong nguyên lí Differance?

Tiêu chuẩn

J. Derrida

Chu Mộng Long: Bài này diễn giải về Viết (Writing) theo quan điểm của J. Derrida. Không đợi đến Derrida, các nhà ngữ học trẻ Xô Viết đã từng phản biện lí thuyết xem âm thanh có trước chữ viết, nhưng hậu quả, họ bị Staline trấn áp vì trái quan điểm chính thống. Derrida tiếp tục dòng suy nghĩ dở dang này trên nền biện chứng giải cấu trúc, phản biện đến nơi đến chốn cái bẫy của siêu hình học đang cầm tù cả những nhà biện chứng theo chủ nghĩa Marx.

Trong một Stt share bài của tôi trên FB, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi có thắc mắc:

  1. “Những từ và tổ hợp từ Hán Việt tồn tại trong ngôn ngữ Việt vào giai đoạn hiểu biết về Hán ngữ của người Việt ngày càng kém cỏi dần đi thì nên xếp vào khu vực “từ bản ngữ” hay “từ ngoại lai”? Nếu xếp vào từ bản ngữ thì quy luật biến dị/khác biệt (différence) của chúng không giống như sự biến dị/khác biệt của loại từ bản ngữ đúng nghĩa. Chẳng hạn “tham quan” –> “thăm quan” / “độc giả” –> “đọc giả”… biến đổi ngữ âm ở đây là do hiện tượng mù chữ Hán của số đông, mà một phần cũng do quá trình latinh hóa chữ Việt mà ra”.
  2. “Còn đối với loại từ bản ngữ tương đối thuần túy thì quy luật biến dị không phải do sự tha hóa trình độ Hán ngữ tạo nên mà có thể do xê dịch phát âm của từng vùng miền, dần dần sai dị trở thành phổ cập, ví dụ “chặn” –> “chận” / “nong” –> “long” / “hằng” –> “hàng” / “trùng trình” –> “chùng chình” / “trời đày” –> “giời đầy” / “khú xụi” –> “già rụi” (“Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc” – bản nôm do Nguyễn Văn Xuân phát hiện / HC tranh luận với Lê Hữu Mục 1974), v.v. Cũng có thể còn có quá trình mờ nghĩa của ký tự mà từ ngữ biến đổi nhưng ít thấy.

Vậy, hai hiện tượng biến dị của hai loại từ khác nhau nói trên trong đời sống tiếng Việt hiện nay có thể coi là cùng một quy luật hay không?(Các bạn xem đầy đủ ý kiến của GS. Nguyễn Huệ Chi ở phần cuối bài).

GS. Nguyễn Huệ Chi hỏi rất hóc búa, tôi chắc chắn giới chuyên môn cũng lúng túng. Tôi đã trả lời nhanh, nhưng để rộng đường thảo luận, lại là vấn đề thú vị, nói thế nào cũng khó hiểu, tôi đành xin phép Giáo sư chuyển thành một bài riêng.

Thực ra, differance (chứ không phải difference) của Derrida chỉ nói về sự gia tăng của cái biểu đạt thành cái biểu đạt của cái biểu đạt, tức nghĩa bị biến đổi và phát tán liên tục trong cộng đồng diễn dịch và quá trình diễn dịch. Differance hiển nhiên có mang nghĩa biến đổi kí tự hay chữ viết như chính cái từ mà Derrida đã sáng chế ra. Gốc là Difference (khác biệt) bị Derrida chính thức hủy cái đuôi -ence để thay vào đó –ance và tạo ra Differance. Derrida muốn chứng minh ngay từ đầu vấn đề của giải cấu trúc: cả difference và differance đều có cùng một âm đọc, nhưng đã thay đổi nghĩa. Sự khác biệt trên chiều thời gian của sự biểu đạt đã biến thành sự khác biệt trên trục không gian diễn giải, vì thế, từ Difference đến Differance đã tăng thêm nghĩa “hoãn”. Có nghĩa là mọi cái vắng mặt (ẩn dụ) trên trục liên tưởng luôn có tính dự phòng và có xu hướng hiện diện trên trục kết hợp (hoán dụ), nó có khả năng phát tán đồng thời thành các diễn dịch khác nhau. Lưu ý “hoãn” gắn liền với “khác” (hoãn-khác) biểu thị sự không gian hóa thời gian với sự đồng hành nhiều cách biểu đạt khác nhau, phá vỡ tính chất độc quyền chân lí của hệ thống toàn trị. Điều này thể hiện ngay cả trong văn bản thơ. Nguyên lí này khác với “tương đương của những dị biệt” trong lí thuyết về cấu trúc thơ của R. Jakobson. Việc xem ẩn dụ cũng là hoán dụ xác định cấu trúc song song (parallel structure) của văn bản thơ cũng đồng nghĩa với các hình thức biểu đạt khác nhau có thể đồng quy về một trung tâm giá trị trong hệ thống toàn trị của văn bản thơ. Derrida đã phản biện khi nhìn thấy hệ thống toàn trị ấy bị phá vỡ bằng khả năng tương tác và phát tán những khác biệt ngay trong nội bộ văn bản và mở ra các hệ thống khác nhau. Các trung tâm giá trị (sự cố kết của khuôn khổ hình thức câu thơ, vần, nhịp, sự sắp xếp tương đương của những hình ảnh) bị phá vỡ để văn bản trở thành đa trị và phát triển liên tục với những hình thái khác nhau.

Điều Derrida đặt ra đó cũng đồng nghĩa một khi thay đổi kí tự hay chữ viết sẽ lập tức làm thay đổi nghĩa của nó dù là thay đổi nhỏ nhất. Chữ viết đòi hỏi một sự cố định tương đối (dân gian gọi là Bút sa gà chết) hơn tiếng nói vì nó nhạy cảm hơn.(*)

Để rõ vấn đề, có lẽ phải bắt đầu từ vấn đề lịch sử của kí tự hay chữ viết đã. Trước Derrida, dưới cái bóng của siêu hình học, các triết gia, các nhà ngôn ngữ học luôn đối lập kí hiệu âm thanh và chữ viết, xem chữ viết chỉ là “kí sinh của âm thanh”. Cái lí này được thừa nhận bởi 1) nhiều dân tộc không có chữ viết, ngôn ngữ vẫn tồn tại; 2) âm thanh có trước chữ viết, chữ viết chỉ là ghi nhận lại âm thanh; và 3) âm thanh gần với tự nhiên, còn kí tự hoàn toàn nhân tạo và võ đoán.

Derrida hoài nghi và thử lật ngược điều này, vì cho rằng đó là một ngộ nhận trên nền chữ viết ghi âm.

1) Nhiều dân tộc không có chữ viết vẫn giao tiếp được bằng âm thanh. Điều đó không phải nghi ngờ. Nhưng hãy giả định, con người bị câm điếc hoàn toàn vẫn có thể giao tiếp được bằng sự nhận diện các dấu hiệu, trong đó có dấu hiệu là chữ viết, không kể là chữ viết ghi âm hay ghi hình.

2) Từ đó, Derrida lật lại vấn đề bằng cách đưa ra loại chữ ghi hình để hoài nghi âm thanh có trước chữ viết. Những dấu vết (trace) đầu tiên của loài người để nhận biết thế giới có khi cũng tồn tại song hành với âm thanh khi tạo hóa cho con người cả đôi tai lẫn con mắt. Chữ viết ghi hình tồn tại như một sự nhận diện thế giới, phát triển từ trực quan đến tư duy trừu tượng đã từng tồn tại cổ hơn cả chữ viết ghi âm. Cho nên khó xác định âm thanh có trước, chữ viết có sau. Và cũng không thể nói chữ viết sinh ra là để ghi nhận âm thanh, phụ thuộc vào âm thanh mà có khi ngược lại.

3) Saussure nói “âm thanh gần với tự nhiên hơn” là kế thừa từ Aristotle và truyền thống siêu hình học về sự hiện diện của phương Tây, nhưng chính điều đó đẩy ông tự mâu thuẫn với chính mình về luận điểm tính võ đoán của ngôn ngữ. Derrida đặt vấn đề, nếu cho rằng kí hiệu có gì đó “gần với tự nhiên hơn” thì không phải âm thanh mà là chữ viết. Do bị chi phối bởi chữ viết ghi âm nên ta dễ nhầm tưởng chữ viết chỉ là “kí sinh”, “thứ cấp”, “phụ thuộc” trong khi ở loại chữ viết ghi hình lại tồn tại những đặc điểm: 1) nó tái hiện hình ảnh của thị giác; 2) tồn tại độc lập so với âm thanh, và 3) nó biến đổi nhưng có khả năng cố định hơn âm thanh, thậm chí định vị cho âm thanh. Do đó, chữ viết không phải “kí sinh” hay “thứ cấp” mà tồn tại bình đẳng như tiếng nói.

Điều này có thể giải đáp cho câu hỏi của Giáo sư. Một là, chữ viết tồn tại độc lập và đóng vai trò quan trọng như tiếng nói nếu là chữ viết ghi hình. Trong trường hợp này, chữ viết ghi hình đã xóa đi sự khác biệt của thổ âm và tiếng địa phương. Những người ở địa phương có tiếng nói hoàn toàn khác nhau vẫn có thể giao tiếp được với nhau bằng chữ viết. Hai là, nếu là chữ viết ghi âm, chính chữ viết lại không kí sinh tiếng nói, thậm chí nhờ sự tồn tại tương đối ổn định và thống nhất cao hơn, bất chấp sự khác biệt của thổ ngữ và tiếng địa phương, kể cả nói ngọng, cho nên chữ viết có khả năng tác động, điều chỉnh tiếng nói để [có thể] hướng tới chuẩn hóa tiếng nói (?). Ba là, khi chữ viết đã được quy định thành chính tả, tức thỏa ước hay cao hơn là luật hóa, những hiện tượng xê dịch, biến đổi không đáng kể trong cách viết là có thể chấp nhận được, nhưng đến mức gây rối loạn hoặc khó khăn trong giao tiếp thì nó sẽ tự hủy. Kiến tạo luôn đặt trên nền của sự hủy, cái bất hợp lí tự nó thay thế thành cái hợp lí tương ứng. Việc tự tạo ra chữ viết gây ngộ nhận, hiểu nhầm trong giao tiếp gọi là “sai biệt” (falseness) chứ không phải “khác biệt”.

Quay lại thuật ngữ Differance đã nói trên, sự cố tình “viết sai” của Derrida đã buộc phải hiểu sang nghĩa mới, tức tự nó thách thức một cách biểu đạt hay diễn dịch mới-khác trong ý thức của chủ thể, nhưng vẫn được chấp nhận vì nó đã hiện diện cái được “dự phòng” trong bản thân từ difference. Sự “viết sai” đó có tác dụng chống lại “sự trượt” (glissement) trong vô thức ngôn ngữ theo lý thuyết của J. Lacan, và rõ ràng không đồng nghĩa với sự tùy tiện. Chẳng hạn, lấy ngay ví dụ của Giáo sư Huệ Chi: ”hằng” thành “hàng”, và có thể thêm “trường” biến thành “tràng” (tràng giang)… đã tạo ra nghĩa mới: độ dài của thời gian biến thành độ rộng của không gian. Vì vậy, cả hai trường hợp Giáo sư đưa ra đều không do “mù chữ Hán” hay do “quá trình Latin hóa” (vì không liên quan) mà chủ yếu hoặc do ý thức sáng tạo hoặc do thói quen tùy tiện, từ một người lây lan đến một nhóm người, thậm chí cả cộng đồng. Riêng trường hợp thứ hai, sự xê dịch do địa phương hóa không gây rối loạn ngôn ngữ nên cộng đồng bản ngữ dễ chấp nhận hơn trường hợp thứ nhất.

Nguyên lí Differance xét đến cùng là tương tác của những khác biệt trong hệ thống mở đa nguyên. Chính hệ thống mở đa nguyên này sẽ điều chỉnh các giá trị, vừa theo thỏa ước của cộng đồng vừa tạo nên sự đa dạng của ngôn ngữ. Mọi ý chí chủ quan muốn “Lân hóa tiếng Việt”, thậm chí cá nhân hóa theo ý chí chủ quan của trung tâm quyền lực nào đó đều bất khả.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư đã đặt câu hỏi thú vị. Có thể trả lời trên chưa hẳn đã hoàn toàn thỏa đáng cho tất cả các trường hợp Giáo sư đưa ra. Bài của tôi chỉ mở ra hướng thảo luận cho nhiều trường hợp khác nữa.

—————————

(*) Câu chuyện lịch sử cải biến chữ viết đi theo quy luật từ phức tạp (trực quan sinh động) đến giản lược (dưới dạng biểu trưng, trừu tượng), từ phi chuẩn đến chuẩn hóa không nằm trong phạm vi bài viết. Vấn đề này tôi sẽ dành ở bài viết khác.

—————————

Nguyên văn ý kiến của GS. Nguyễn Huệ Chi:

https://chumonglong.wordpress.com/…/mach-bo-f-saussure-va-…/

Chu Mộng Long trình bày F. Saussure và J. Derrida đâu ra đấy rất đáng phục. Nhưng tôi là người ngoài ngành, có một thắc mắc lâu nay vẫn không giải đáp được cho mình, muốn bạn và các nhà ngữ học khác giải đáp giúp: Những từ và tổ hợp từ Hán Việt tồn tại trong ngôn ngữ Việt vào giai đoạn hiểu biết về Hán ngữ của người Việt ngày càng kém cỏi dần đi thì nên xếp vào khu vực “từ bản ngữ” hay “từ ngoại lai”? Nếu xếp vào từ bản ngữ thì quy luật biến dị/khác biệt (différence) của chúng không giống như sự biến dị/khác biệt của loại từ bản ngữ đúng nghĩa. Chẳng hạn “tham quan” –> “thăm quan” / “độc giả” –> “đọc giả”… biến đổi ngữ âm ở đây là do hiện tượng mù chữ Hán của số đông, mà một phần cũng do quá trình latinh hóa chữ Việt mà ra. Ngày xưa khi chữ quốc ngữ chưa phổ biến, bình dân cũng buộc phải đọc đúng “tham quan” / “độc giả”… bởi khi viết thì họ phải viết chữ Hán 參觀 / 讀者. Nhưng khi công cuộc latinh hóa tiếng Việt đã hoàn thành và được thừa nhận (đầu TK XX), người ta chỉ còn viết chữ quốc ngữ, thì số đông người không biết Hán ngữ đứng trước vấn nạn đọc âm không hiểu nghĩa nữa, buộc phải tìm những âm gần cận dễ hiểu với mình để thay thế, vì thế mà “thăm” thay cho “tham” trong “thăm quan” / “đọc” thay cho “độc” trong “đọc giả”, v.v. (theo tôi, từ đầu thế kỷ XXI trở đi hiện tượng này mới có bước đột phá). Còn đối với loại từ bản ngữ tương đối thuần túy thì quy luật biến dị không phải do sự tha hóa trình độ Hán ngữ tạo nên mà có thể do xê dịch phát âm của từng vùng miền, dần dần sai dị trở thành phổ cập, ví dụ “chặn” –> “chận” / “nong” –> “long” / “hằng” –> “hàng” / “trùng trình” –> “chùng chình” / “trời đày” –> “giời đầy” / “khú xụi” –> “già rụi” (“Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc” – bản nôm do Nguyễn Văn Xuân phát hiện / HC tranh luận với Lê Hữu Mục 1974), v.v. Cũng có thể còn có quá trình mờ nghĩa của ký tự mà từ ngữ biến đổi nhưng ít thấy. Vậy, hai hiện tượng biến dị của hai loại từ khác nhau nói trên trong đời sống tiếng Việt hiện nay có thể coi là cùng một quy luật hay không?

About chumonglong

Thấy việc nghĩa không làm là đồ hèn. Thấy việc đúng mà bất lực là đồ ngu. Thấy việc thiện mà làm ngơ là đồ ích kỉ. Thấy đồng loại đau khổ mà vẫn vui chơi là đồ bất lương. Còn sức khỏe, trí lực mà tìm chỗ ẩn cư thì cũng là phường vô đạo!

Đã đóng bình luận.