Kinh tế thị trường định hướng… vô đạo đức?!

Tiêu chuẩn

gcu1354942119Chu Mộng Long – Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là định hướng vào cái gì nếu không nói là định hướng vào đạo đức. Sức sống bất diệt của lý tưởng xã hội chủ nghĩa là điều tiết phúc lợi xã hội, chống trục lợi trên xương máu của người lao động và dân nghèo. Với một cơ chế xã hội không có sự kiểm soát chặt chẽ, kinh tế thị trường chỉ có thể là mảnh đất nuôi dưỡng cho sự tự do hoang dã vô chính phủ, định hướng vào những giá trị… vô đạo đức. Vì tiền con người lao vào kiếm ăn bằng mọi giá, và hậu quả là người lao động và dân nghèo bị kiệt sức bởi những con quỷ hút máu người. Cho nên, nói theo cách của Mao, phải đợi đến 3000 năm nữa mới có thể định hướng vào được guồng máy xã hội chủ nghĩa nếu không lo thiết lập một cơ chế đủ mạnh để kiểm soát thị trường.

Tình trạng vô đạo đức bởi kinh tế thị trường đã đến mức báo động đỏ cho sự suy thoái của cả một dân tộc. Chừng như cái đầu của người Việt đang ngắn lại cho cái mõm dài ra để ngửi hơi tiền. Chung quy bởi tại chiếc thẻ đỏ của đạo đức đang biến thành thẻ tín dụng đặc quyền đặc lợi mà giới trẻ đang thèm khát “phấn đấu” và tìm mọi cơ hội để đoạt được. Không đoạt được chiếc thẻ đỏ đặc quyền đặc lợi ấy thì chỗ nào có hơi tiền là lao vào như con thiêu thân. Cứ nhìn vào hệ thống giáo dục mà xem. Trường nào cũng có ngành Tài chính Ngân hàng như miếng mồi nhử. Học sinh cứ nhìn chỗ nào có mục Tài chính Ngân hàng là lao vào đến nghẽn chỉ tiêu. Các ngành khoa học và nhân văn thuần túy đến lúc có nguy cơ bị giải thể.

Sinh viên lao vào ngành Tài chính Ngân hàng học gì nhỉ, nếu không phải là học cách “làm tiền” kiểu ông trưởng khoa Hà Thanh Việt? Mà đã “làm tiền” như thế thì ngành này có thể gọi là ngành Nhà thổ được chăng?

Tiền đã thống trị giáo dục dẫn đến sự “định hướng” lệch lạc, đạo đức không suy thoái từ trên xuống dưới mới là chuyện lạ!

ĐÂU LÀ KHÔNG / ĐƯỢC LÀM

(tản mạn với blog Chu Mộng Long)

Nguyễn Thanh Hải

Về cái tình hình cơ quan nhà nước mà cũng “bươn chải”, mà thực chất không phải là “lách luật” nếu không muốn gọi là “cố ý làm trái luật” (thuật ngữ của quan tòa), để “kiếm chác”… là một thuộc tính phái sinh của “cái” đang ở thế thượng phong: Kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tính chất phái sinh nay đã không còn hiếm hoi nếu không coi là phổ dụng này là một sự thừa nhận không úp mở sự phá hoại cơ chế hoạt động của Hiến pháp xã hội chủ nghĩa của chúng ta: vì nhân dân thực sự hay chỉ là sự vay mượn từ ngữ “phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”.

Không thể phủ nhận rằng, tiền lương cho người hưởng lương là không đủ sống. Nhưng vì thế mà nhìn nhận người hưởng lương, lao động theo nghĩa vụ được quy định trong lương tất phải thiếu / yếu / vô trách nhiệm là thừa nhận bừa. Còn như ở đâu mà công việc có “trôi chảy” thì là nhờ ở “công vụ” đã “ghé mạn” được “tư vụ”, chí ít thì cũng phải 90%. Tôi giả dụ, nếu không được 10% hoa hồng trên tổng gía trị công trình, thì ai “vác tù và” đi gõ cửa các văn  phòng của các tổ chức, cơ quan “chức năng” “chạy kinh phí”… “Nước nổi lo chi bèo chẳng nổi”, cho nên “công vụ” thực chất chỉ là ngồi “chờ trăng lên”: Trăng lên là gió thổi, gió thổi là nước nổi, nước nổi là bèo nổi. Thế là anh ta được khen là “năng động”: Tiền trong kho mà “lòi” ra được, phải nói là trải qua bao “cửa ải” khó như thế mà “nó” vẫn “moi” được khiến cho cái “bộ mặt” của quê hương ta, của cơ quan ta từng bước “sáng choang” lên (!), ai cũng làm được thì có đâu mà “sơn ăn từng mặt…”(!). Còn dân chúng cũng được đôi chút “vỗ về”: Thôi thì “nó” ăn cũng được, có “đứa nào mà không ăn”, nhưng nó ăn mà còn làm ra được tí chút để ta hưởng cái gọi là “của bụt cho thơm” cũng cho là được, chứ không thì chờ… cho đến “móm răng” à!

Cơ hội việc làm cho các cử nhân tín dụng ngân hàng là khó thật. Càng khó khăn hơn khi hệ thống ngân hàng của nước ta đã không chứng nọ thì cũng đã mắc tật kia. Bộ Giáo dục và Đào tạo thì: khi ào ào ào ào để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế năng động vào loại nhất nhì (mà phàm là cái gì chúng ta “làm” ra đều to nhất, dài nhất, nhiều nhất, bề thế nhất…), khi thì “phải bóp” lại đầu vào để chấn chỉnh. Mà đã phải bóp lại tức thị là thừa nhận những sản phẩm của mình là có vấn đề. Nếu diễn đạt bằng thuật ngữ của kinh tế học thì nó là buộc phải thu hẹp sản xuất. Mà nhà tư bản khi đã phải dần thu hẹp sản xuất thì câu nói của Karl Marx rằng, nhà tư bản ghét cay ghét đắng tình trạng không có lợi nhuận, còn khi lợi nhuận tăng lên đến 400% thì có bị treo cổ, nhà tư bản cũng không từ, mới thành câu châm ngôn kinh điển chứ.

Chỉ thế thôi cũng có thể hình dung ra được phần nào lao động hiện nay của chúng ta chỉ là dạng biến thái của thứ lao động bị lệ thuộc, mà lao động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng là một hiện tượng có thể dẫn ra làm ví dụ. Để được nhận vào làm việc tại các ngân hàng thì ngoài những “tiêu chuẩn” bình đẳng với mọi “đầu ra”,  phải có được một khoản tiền “đối ứng”. Là bởi người sử dụng lao động là người đã có sẵn những tư liệu lao động và những tư liệu này là do sản xuất tạo ra nhưng sản xuất lại mất quyền kiểm soát nó… Lịch sử cho ta thấy, chế độ tư hữu mà trong đó giai cấp có tư liệu sản xuất thống trị giai cấp khác không ra đời do cướp bóc, bạo lực mà là kết quả của quá trình phát triển sản xuất, “Bạo lực có thể làm thay đổi kẻ sở hữu tài sản, nhưng nó không thể đẻ ra chế độ tư hữu tài sản” (Engels). Bạo lực, nhiều lắm thì cũng chỉ chiếm được cái đã làm ra chứ không làm ra tiền được. Như vậy thì tiền là do sản xuất kinh tế làm ra, và bạo lực cũng do tình hình kinh tế quyết định: nó “cung cấp cho bạo lực những phương tiện tạo ra và duy trì những công cụ bạo lực” (Engels). Lao động trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng, nếu không phải là tất cả thì cũng là đa phần được xuất phát từ động cơ lệ thuộc, nên có độ rủi ro cao đối với người kiếm việc làm. Mức độ này tỷ lệ thuận với động cơ: có mấy ai đi vào ngành này là để một mai cống hiến nhiều nhất cho cuộc sống! Ai đời nào, một nền kinh tế thị trường vừa mới “ló dạng”, mà đi đâu cũng có thể gặp được các cử nhân TCNH được đào tạo từ khắp các cơ sở đào tạo mà cơ sở nào không mở được ngành này thì chỉ còn bằng cách “trả giấy phép”, nếu không thì chấp nhận “không hoàn thành nhiệm vụ” kinh tế-xã hội (!): tạo nguồn nhân lực có trình độ cao.

Cũng chỉ vì “…tức nhau tiếng gáy” mà anh đào tạo được và được đào tạo ngành Tài chính Ngân hàng thì tôi cũng thế chứ “kém quái” gì! Thế là “trăm hoa đua nở” trên một thửa đất mà với rất nhiều người đáng ra là còn phải tính đến những “khả năng canh tác” khác!

Nhưng là khả năng nào? Tất nhiên phải ngoài cái khả năng: học TCNH chỉ là để…“dễ xin việc làm”, và với một số người khi lấy vợ lấy chồng sẽ dễ được bỏ qua vài tiêu chí cơ bản…

Người ta đổ xô vào các ngành kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng… đến mức một thời kỳ ĐHQN đã được “tuyển dùm” cho ĐHKTQD Hà Nội bằng mưu lược đến Bộ cũng hả hê: sau một năm tất cả các sinh viên “ở ngoải” đều được chuyển trường, và không cần phải chuyển bất cứ thứ gì ngoài cái bảng điểm nói chung là sạch sẽ.

Đấy người ta đã ươm mầm và vun trồng cây hoa cho trăm năm một cách cẩu thả hay tương tự như thế đấy!

Nhà quản lý có cả 101 cách kiếm tiền để tạo động lực cho sự “phát triển”. Tôi chỉ dẫn 01 cách:

Cái 10% / tổng giá trị công trình trích lại cho bên A là “lễ vật trong ngày lại quả” kia đã làm cho giá trị công trình chưa nghiệm thu đã được “ứng trước” giá trị sử dụng. Nếu quà lại quả ấy dành như thế nào đó cho việc duy tu bảo dưỡng khắc phục phần nào lỗi kỹ thuật mà bên B sơ suất trong thi công trong thời gian nào đó khi sử dụng, thì điều đó không nói mà làm gì. Và nhà nước, tức nhân dân hoàn toàn có thể yên tâm với mọi sản phẩm do toàn xã hội sản xuất ra, kể cả con người. Tiếc thay, chỉ là những sản phẩm dán mác.

Ngay tại ĐHQN chẳng đâu xa, tất nhiên là đã xa, khi gửi giấy báo cho sinh viên trúng tuyển, trong các khoản phí “nên” / “cần” “nộp” / “đóng” có cả khoản tiền bảo hiểm thân thể, thế là nghiễm nhiên “hoa hồng” chui thẳng vào túi người mang tiền ra nộp cho tổ chức / cơ quan bảo hiểm với lý lẽ đến các nhà làm luật cũng phải ú ớ: Người bán bảo hiểm có quyền (quyền lợi) “hưởng hoa hồng” từ phía cơ quan / tổ chức bán bảo hiểm. “Hoa hồng” thì ai cũng biết là thứ tinh túy nhất của lao động, một thứ từ ngữ của đạo đức… Còn như anh mua sự an toàn của tôi hay tôi bán sự rủi ro cho anh,  một thứ nhã ngữ của thị trường, trong trường hợp này có nên bàn cho ra nhẽ (?!): anh phải tính đúng và tính đủ đồng tiền tôi bỏ ra cho sự an toàn của tôi…

Vậy thì ra là anh làm thì anh ăn chứ anh làm để phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước ở chỗ nào. Thế thì anh nhận danh hiệu nhân dân trong các danh hiệu thi đua gì gì đấy là phải nhẽ (?!).

Điều đáng nói ở đây là khi mang danh là người cộng sản, là tổ chức có những người cộng sản thì không nên chỉ vì lợi ích của riêng mình, mà lại gây khó khăn cho người khác. Thậm chí còn gây hệ lụy không thể lường: niềm tin yêu kính trọng của những người lao động đối với công việc tổ chức quản lý xã hội đối với họ về lao động, là bản chất của chế độ xã hội bị tiêu tan… Thành ra, xã hội của những người hoạt động kiếm sống chẳng được phân định gì với các tổ chức sinh thể kiếm ăn. Vậy thì phải lựa chọn dứt khoát thôi. Hoặc là, anh cứ làm như anh làm và chấp nhận đương đầu với pháp luật. Mà phải dũng cảm và can đảm lên, không hèn nữa! Hoặc là, anh là người cộng sản thì phải “Việc có lợi cho dân, dù nhỏ cũng làm” (Hồ Chí Minh).

Đằng này cứ “dở dơi dở chuột”: tư túi thì cũng là trùm, mà đạo đức trong sáng thì cũng là nhất!!! Thế rồi thì hòa cả làng: “Tấc, cái cơ chế của mình nó thế. Híc!”

Vậy là, đạo đức thì cứ vằng vặc như trăng… đầy tháng, tiền bạc (ngoài lương) thì cũng “lam lũ” kéo đến… chật nhà!

A ha, ha… Té ra, khái niệm nhân dân bấy nay, nội hàm đã bị biến thái mà chúng ta cứ ngó bộ…giả tảng!

About chumonglong

Thấy việc nghĩa không làm là đồ hèn. Thấy việc đúng mà bất lực là đồ ngu. Thấy việc thiện mà làm ngơ là đồ ích kỉ. Thấy đồng loại đau khổ mà vẫn vui chơi là đồ bất lương. Còn sức khỏe, trí lực mà tìm chỗ ẩn cư thì cũng là phường vô đạo!

Đã đóng bình luận.