PISA và cảm xúc cay cay sống mũi

Tiêu chuẩn

1459674_358424317626425_1093065394_nChu Mộng Long – Bài viết của tác giả Thanh Hải bày tỏ quan điểm về giáo dục Việt Nam sau những dư chấn vừa qua. Các nhà chủ trương cải cách giáo dục nghĩ gì khi họ cứ loay hoay cải cách mãi, hết nhiệm kì này đến nhiệm kì khác khi món nợ vay chồng chất đè lên đầu trẻ em và thế hệ tương lai?

Tôi hoàn toàn thừa nhận đánh giá của PISA, rằng sinh viên Việt Nam giỏi, cũng như người Việt rất thông minh không kém một dân tộc nào. Nhưng bình luận  của một bạn đọc trên VnExpress sau đánh giá của chủ tịch PISA Việt Nam đáng làm cho ta suy ngẫm: ĐỪNG TỰ HÀO NGHÈO MÀ HỌC GIỎI MÀ PHẢI HỎI VÌ SAO HỌC GIỎI MÀ VẪN NGHÈO!!!

———————–

PISA VÀ CẢM XÚC “CAY CAY SỐNG MŨI”

Thanh Hải

Năm 2013 đang dần vụt qua các điểm quan sát với kết quả khảo sát PISA làm dậy sóng nước nhà.

Trong khi mọi ngành, trừ “Văn hóa, Thể thao và Du lịch” vớt vát lại được đôi chút kể từ sau những cú tin nhắn bình chọn cho Vịnh Hạ Long; vụ Hoa hậu quý bà khoác nhầm dải băng…, còn mải loay hoay với gói kích cầu 30.000 tỷ, thì ngành giáo dục lại vượt lên qua cả Anh – Mỹ, nơi mà con em các quan chức và đại gia mới có cơ hội chen chân để thụ hưởng được chút dịch vụ giáo dục đích thực, mà trước đây các lý luận gia rất hay quy giản để thuật ngữ “canh cặn cơm thừa” khỏi biến mất đời sống ngữ ngôn.

Thật tội nghiệp cho thân phận con cái làm đứa ở của các đại gia, nếu không có PISA khẳng định đẳng cấp giáo dục của bọn “chúng tớ”! Đã rất nhiều người hoan hỉ với cái đẳng cấp mà “bọn nhóc” đem về, song cũng không ít người băn khoăn về “nguồn vốn” xuất phát ta chẳng mấy thua kém ai, mà sao “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” lại trở nên bức bách vậy?

 Một dịch vụ giáo dục nhân bản còn dành để cho ai, khi các đại gia đã tự lo cho con cái mình bằng những khoản du học, trừ một số không thể chạm được tới điều kiện cần…, thì cũng đã sẵn có chỗ ngồi, ngay khi các Hội đồng “tuyển sinh” còn quá phân vân với khoản… đầu ra. Một nền giáo dục chẳng có ai lo, trừ quyết nghị cải cách, mà quyết nghị lại là thứ “hàng hiệu”, tựa hồ cái cục chặn giấy, nằm trên bàn làm việc của cơ quan chức năng, và cũng chẳng bao giờ nấu chín được.

Tất nhiên là, “có bột thì mới gột được nên hồ”. Không cứ thứ gì cũng phải tiền nhiều. Giáo dục, ngay từ đầu mà không gầy được chút vốn mặt bằng học vấn thì không thể nào tiếp nhận được công nghệ giáo dục văn minh của “bọn tư bản”.

Lưng vốn giáo dục xã hội chủ nghĩa mà không có thì đừng tưởng bọn tư bản sẽ đào tạo được cho chúng ta theo các khuôn mẫu người của chúng, dẫu có phải nộp cho nền giáo dục của chúng không biết cơ man nào là tiền. Trong lúc tại nước nhà các thầy giáo xoay đủ mọi cách để làm gia tăng thu nhập cá nhân, kể cả phát động học trò đủ thứ lệ phí, mà cũng chỉ vì thiếu các khoản này, các bé mầm non chỉ còn cách giấu má vào nơi kín nhất của các “mẹ của em ở trường”, thì tiền cứ vung vãi hết cả ra, kể cả ở giảng đường nơi có chỉ số PISA… thấp!

Những trụ sở làm việc khang trang và ấm áp như hoàng cung; những xế hộp bóng lộn; những cây cổ thụ lưu niệm “để đời” có tới nửa trăm tuổi… những lớp học trơ trọi không có vách cũng chẳng có thưng; những cô bé cậu bé tới trường bằng “đu dây” không chỉ không “nước suối trong thầm thì” mà cũng không “cọ xòe ô che nắng”; những đôi chân trần bé xíu nứt nẻ đến cả lúc sang hè… thế mà có được kết quả PISA hơn cả Mỹ đem lại chút “cay cay trên sống mũi” bao người là điều ngay cựu Trợ lý Giáo dục Mỹ Diane Ravitch không dễ gì giải mã(*).

 Giáo dục như thế thì con người sẽ thành gì, nếu không muốn thành thứ dở dơi dở chuột, “nửa người nửa ngợm nửa đười ươi”.

Với Faraday, “từ cũng có thể chuyển thành điện”, khi lợi bất cập hại, thì hại cũng có thể chuyển hóa thành lợi được chứ chẳng sao. Dẫu sao thì PISA cũng đã làm cho các quan chức quản lý giáo dục… tự tin lên rất nhiều. Họ đã sống những ngày mà cả Lỗ Tấn có lẽ cũng không thể tìm ra nguồn cảm hứng nào dồi dào hơn khi hư cấu Truyện AQ. Không như thế thì “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” đang được đặt ra lại trở thành mục đích tự thân mất!

Có thể TS. Lê Thị Mỹ Hà, Giám đốc quốc gia PISA(*) đã ít nhiều làm cụt hứng các quan chức có đảm nhận thêm chức năng giáo dục. Khi học sinh mình cần 18,2 hộp gạch lát nền là các cháu quen cách hạch toán của cha chú. Còn như 19 hộp gạch là đáp án đúng, thì tại sao không phải là 20, 21; hoặc nhiều hơn để kích thích sản xuất. “Tiết kiệm” là quốc sách thì ai có thể vượt qua được Chính phủ, thế mà ổng cũng “hào phóng” bỏ ra 30.000 tỷ để hóa giải thị trường bất động sản khi “băng kết thành đá” kia mà.

Những bữa cơm không thịt, kể cả những bữa có thịt mà bị các “mẹ của em ở trường” cho ăn kèm những cái bóp mũi, bạt tai, thế mà đạt tới cái giải trí tuệ cao hơn so với bạn cùng trang lứa nhưng là của nền giáo dục ở các vùng lãnh thổ mà ta đã vượt lên, thì còn gì hơn! Ngoài yếu tố định mệnh, rồng đẻ rồng, liu điu có đẻ cũng không khác dòng liu điu, thì đó là do nền giáo dục ta là nền giáo dục tiên tiến đậm đà bản sắc chăng?

Một nền giáo dục thông giải ý nghĩa. Tất cả đều phải xuất phát từ những tiên đề. Đường ngắn nhất là đường thẳng kết nối giữa hai điểm. Một đường ống nước phải chạy qua nền nhà chỉ có thể phải là “đường tắt” kết nối 2 điểm tại hai góc đối của vuông nền. Số gạch phải thay sẽ phải là số các viên gạch mà đường ống “xổ thẳng”. Nhưng như thế thì nông dân cần gì phải chịu thuế, bởi lao dộng thặng dư chẳng đáng bao nhiêu, nếu nó đã tuân thủ định lý toán học. Tuy vậy, đáng lẽ sẽ giảm 0,2 tại điểm dừng của đường ống, thì nó cứ thế “xổ” thành 18,2 hộp gạch(*). Thế là nó đã “đúng như hạch toán” và tiến triển “khớp với quy trình”. Chỉ toán học mới biết nó dôi ra được 0,4 hộp như là dành cho quỹ “bôi trơn”, nếu không muốn đường ống khi còn chưa nghiệm thu xong đã… tắc!

Ám ảnh với kết quả cần đạt, các cháu đã cố gắng mang về cho chủ cái thành tích cao hơn hẳn các bạn cùng trang lứa với chúng ở Mỹ – Anh là tốt lắm rồi. Thua cái xứ sở ấy thứ gì cũng chỉ là chuyện nhỏ, quyết không thua họ về tài năng và trí tuệ. Các cháu của chúng ta, ăn chưa no, lo chưa tới dẫu vụng về thì cũng đã làm vẻ vang cho thành tích ngất ngưởng của chúng ta là đáng khen ngợi rồi. Vị tất phải tốn tiền để đào tạo 2 vạn tiến sĩ theo “Đề án 322”. Chi bằng mua thịt cho các cháu ăn, thay vì để còn lại ít cháu thôi: phí phạm thời gian dành cho học tập vào cái việc “miễn cưỡng” tiếp cận công nghệ… bẫy chuột!

Mà tiến sĩ thì phải là thế nào. Chứ cứ sau một cái luận án là mặc định thành “hiền tài” ru rú đợi thời ra làm quan, bởi “Quân tử không tự cày ruộng để ăn” (Kinh thư) thì chỉ làm gia tăng thêm tỷ lệ “cắp ô” khiến nó không thể ở mức… 1%, cái mức không cần điều tra tốn kém. Thậm chí có thể cả đời chỉ như ông Dương Chí Dũng: làm mỗi một việc “cắp ô” tuân thủ quy trình. Tuy không phải ai cũng như ai, nhưng có được mấy tiến sĩ gia như thế, kể cả, ngoại trừ những tiến sĩ chỉ dành cho việc ký kết các dự án và các hợp đồng béo bở viết và xuất bản các loại giáo khoa, giáo trình, như thứ giáo khoa “… ngoại… xâm… lăng… bác… hồ… ao… cá… quả”.

Một nền giáo dục có truyền thống “tôn sư trọng đạo” với thiết chế tiên tiến gần 80 năm, có cả hàng ngàn Giáo sư và Nhà giáo ưu tú mà còn để cho giới quan chức chê bai qua việc tằn tiện từng đồng cho con em mình du học, đặt tương lai vào kỳ vọng 2 vạn tinh hoa được đào tạo từ các nền văn hóa có chỉ số PISA thấp hơn của nước nhà, nền giáo dục đó có gì để mà bàn thổi.

Đọc loạt bài trên VNN xung quanh chủ đề này mới té ngửa quyền lực của sáng tạo(*). Chỉ đến thế thôi sao. Từ các “dự án sách giáo khoa”, đảo đi đảo lại cũng vẫn “thuật nhi bất tác”; đến khâu thẩm định theo khuôn chữ “từ chương”; thầy giáo là khâu thẩm định cuối cùng trước khi đến tay người học chỉ như các nghệ nhân bonsai “tầm chương, trích cú”, cốt sao giảm được hao phí tinh lực thấp nhất. Một nền giáo dục nô dịch trí tuệ mà lại muốn ngổ ngáo vượt lên trên những nền giáo dục khác, kể cả một số nền giáo dục được trân trọng dẫn trích trong các Tuyên ngôn dân quyền, thật là chẳng “biết địch, biết ta”.

Vả chăng cơ may còn lại là những đứa trẻ tàn tật ở Hà Giang với nguồn vốn 180 triệu dành cho chúng bị xà xẻo để không còn khả năng nào ngoài các khả năng mà tự nhiên đã bỏ sót.

Một thế hệ có dòng dõi như Dương Chí Dũng họa chăng…, vì ông ta cũng còn làm được cái nghĩa vụ “xóa đói giảm nghèo”, chí ít thì cũng giảm thiểu được số người lớn “hôi bia”, một biến thái của giai tầng “nước đục thả câu” chuyên hành nghề “hôi của”.

Nhưng cái nghèo mà đã không tự xóa, thì chẳng ai nào xóa được nó. Thì hai căn hộ chung cư ông Dương Chí Dũng “mua tặng hộ…” nghèo! Nhưng có nên chăng với cái “khôn” như “Anh nông dân và con quỷ”: không thực hiện đầy đủ bổn phận như thỏa thuận trừ khi vô tình “làm giàu” cho giới tự nhiên bằng chính thứ anh ta để lại sau thu hoạch, tựa hồ như thứ mà các loài hoang dã thải ra!

Đọc cái “Thành tích xuất siêu, bán hàng hộ Trung Quốc”(**) chẳng nhẽ lại cũng “cay cay sống mũi” như khi có kết quả PISA. Bọn trẻ con đáng yêu của chúng ta làm được như thế mà cha chú chúng chẳng nhẽ vì thế chịu thua các cha chú của bọn trẻ có thứ hạng PISA cao hơn bọn trẻ chúng ta.

“Giáo dục một người đàn ông, được một con người. Giáo dục một người đàn bà, được một gia đình. Giáo dục một người thầy, được một thế hệ” (R. Tagore).

Có lẽ nên tập trung đầu tư cho thế hệ sau, không phải từ một ông thầy, mà từ cả một thế hệ làm thầy. Hồ Chí Minh dạy, con người ta chỉ nên làm gì, nếu không phải là tiếp nối truyền thống ông cha. Thật là báng bổ tổ tiên khi nước có giặc mà không đánh, có bình mà không ra sức “cần, kiệm, liêm, chính” làm gương cho con cháu giữ phúc ấm đời đời.

Đã đến lúc chúng ta nên vứt đi các mục tiêu trơ trọi, trở lại từ đầu và bắt đầu từ “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn (tg nhấn mạnh) ở công học tập của các em” (Hồ Chí Minh).

————–

 (*) http://vietnamnet.vn/vn/tim-kiem/0/a/pisa/

(**)http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/155005/thanh-tich-xuat-sieu–ban-hang-ho-trung-quoc.html

Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả

About chumonglong

Thấy việc nghĩa không làm là đồ hèn. Thấy việc đúng mà bất lực là đồ ngu. Thấy việc thiện mà làm ngơ là đồ ích kỉ. Thấy đồng loại đau khổ mà vẫn vui chơi là đồ bất lương. Còn sức khỏe, trí lực mà tìm chỗ ẩn cư thì cũng là phường vô đạo!

Đã đóng bình luận.