Viết về vị “Cha già” của ngành giáo dục

Tiêu chuẩn

tinmoibtluan

Bộ trưởng Luận đang suy tư sau khi đội sổ tín nhiệm. Ảnh của nhà báo bám gót chụp lén.

Chu Mộng Long – “Những nếp hằn đêm qua khi âu lo dõi theo tin tức vùng lũ lại khắc sâu hơn khi Bộ trưởng nghe thầy giáo Hà Thanh Sơn nghẹn ngào nước mắt tâm sự về mất mát to lớn của mình sau cơn lũ dữ. Xót đắng lòng, đôi mắt cay xè sau cặp kính, dòng nước mắt như chảy ngược vào trong, ông cố gắng gồng mình làm chỗ dựa cho đàn con.” Lời của nhà báo VTC News viết về Bộ trưởng  Phạm Vũ Luận như viết về vị “Cha già kính yêu” của ngành giáo chúng ta.

Nhà báo đã phải huy động tất cả các giác quan để thấy cái mà Bộ trưởng thấy, nghe cái mà Bộ trưởng nghe, xót cái mà Bộ trưởng xót, cay cái mà Bộ trưởng cay… Báo chí mà viết như thế thì thơ ca, tiểu thuyết cũng chào thua!

Công bằng mà nói, Bộ trưởng đã cố gắng tạo ra giáo đức vượt lên trên y đức của người đồng liêu đang bị chỉ trích như một mụ dì ghẻ khi vị này vì ham vui khánh tiết mà quên đạo lí “nghĩa tử – nghĩa tận” đối với các cháu bé bị sát hại bởi thuộc cấp của mình.

Vị “Cha già” của ngành chúng ta nói ít, làm ít nhưng có hiệu quả, dù không triệt để do cơ chế hiện hành. Chấn chỉnh đào tạo tại chức, mở ngành, cấp văn bằng chứng chỉ tràn lan… những chỉ thị và hành động của ông đang là những việc làm dang dở nhưng đáng ghi nhận như một nỗ lực cá nhân.

Tuy nhiên, nếu tôi là ông, thưa vị Cha già tôn kính, tôi sẽ khuyên nhà báo kia hãy bám sát vùng lũ, dành trái tim của mình viết về những nạn nhân vùng lũ hơn là bám sát ông để miêu tả tỉ mỉ từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong con người của ông để ngợi ca ông như ngợi ca vị “Cha già kính yêu” của ngành giáo dục.

Viết báo theo cách ấy, bọn lề trái nó xỏ xiên, châm chọc là phải! Tốt nhất, lần sau nên cắt đuôi loại nhà báo chỉ biết bám đuôi lãnh đạo, vì có lần cũng do bám đuôi như thế (lần bỏ phiếu tín nhiệm ấy), chúng đã chộp lén lấy hình ảnh ông đưa lên báo để… bán tin!

——————————————————–

Lũ quét Bản Khoang: Hành trình trách nhiệm, tình thương

1. Đoạn viết về vị Cha già “đêm không ngủ”. Nhà báo cũng “thức luôn cùng Bác” để quan sát tỉ mỉ:

IMG2766_1

Nghe báo cáo về những thiệt hại, mất mát ở Bản Khoang, có những lúc Bộ trưởng bỏ kính lau nước mắt

(…) Trong khoang của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, đèn đóm tắt hết, nhưng góc giường của ông iPad luôn lấp lánh ánh sáng, đảo liên tục từ trang web này đến trang web khác nhưng các lệnh tìm kiếm đều có hai từ khóa: Lũ quét, Bản Khoang… Khuôn mặt ông hằn sâu suy nghĩ không yên.

“Bộ trưởng Phạm Vũ Luận là người đến Bản Khoang còn nhanh hơn cả nhiều cơ quan, ban, ngành trong tỉnh và các huyện lân cận. Ông cũng là thành viên Chính phủ đầu tiên đến vùng lũ dữ”.

Giám đốc Sở GD-ĐT Lào Cai Nguyễn Anh Ninh

Dường như Bộ trưởng đang trĩu nặng những lo lắng trước tin dữ báo về từ Bản Khoang. Nơi đó – những giáo viên, học sinh của ông đang chịu đau đớn bởi những vết thương do quăng quật vào đá núi, tinh thần còn bất ổn trước thiên tai.

(…)
Một lúc, với lấy bao thuốc đặt trên bàn, Bộ trưởng ra đầu toa. Bóng ông in trên thành tàu như còng xuống. Ông đang hút thuốc, điều ít thấy với vị lãnh đạo ngành Giáo dục. Châm một đốm lửa đỏ đốt cho nhanh thời gian dằng dặc của đêm dài chờ đợi.

Bác hiểu nỗi đau mất con là nỗi đau lớn nhất của người mẹ. Cháu hãy cố gắng vượt qua. Gia đình, đồng nghiệp, ngành GD-ĐT và cá nhân bác luôn bên cạnh cháu chia sẻ nỗi đau thương mất mát này.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận

(…)

Tôi biết, Bộ trưởng nhiều đêm mất ngủ với những nỗi lo của ngành Giáo dục. Gần đây nhất là vào đầu năm học, sau niềm vui khai giảng, đâu đó lại rộn lên chuyện đồng phục, lạm thu…

2. Đoạn viết về “Nỗi đau ẩn vào trong”. Nhà báo tỏ ra thấu thị:

Như người cha đi xa vội về nhà bàng hoàng nghe những đứa con kể lại nỗi đau vừa trải qua, Bộ trưởng đến ngay Bệnh viện Đa khoa Sa Pa để thăm những người giáo viên, nhân dân bị thương.

 SAM0848_1

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận xem vết thương trên người thầy giáo Hà Thanh Sơn

Những nếp hằn đêm qua khi âu lo dõi theo tin tức vùng lũ lại khắc sâu hơn khi Bộ trưởng nghe thầy giáo Hà Thanh Sơn nghẹn ngào nước mắt tâm sự về mất mát to lớn của mình sau cơn lũ dữ. Xót đắng lòng, đôi mắt cay xè sau cặp kính, dòng nước mắt như chảy ngược vào trong, ông cố gắng gồng mình làm chỗ dựa cho đàn con.
(…)

 Luan

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tại trung tâm vùng lũ dữ

3. Đoạn gọi là “Dấu lặng” để suy tưởng này chẳng có gì để suy tưởng, nếu Bộ trưởng dành tiền tỉ các dự án mà lo cho giáo dục vùng sâu vùng xa:

(…)

Đôi tay ông khẽ run lên, như cảm nhận được hơi ấm còn sót lại nơi bàn phím của bàn tay đêm trước. Bộ trưởng đứng trầm ngâm, cố nén nhưng khó có thể giấu được sự xúc động, xót xa trong lòng.

Đi thêm một đoạn, Bộ trưởng dừng hẳn lại để đọc kỹ cuốn sổ lấm lem bùn đất của một cô giáo, trang cuối cùng còn ghi những dòng chữ về kế hoạch chuẩn bị ngày khai giảng, lo Tết Trung thu cho các em học sinh; Mở ngược về những trang khác, là một vài con số tính toán tiền ăn, tiền học, tiền điện tiền nước… trang trải trong một tháng lương giáo viên vùng cao hạn hẹp…

Đôi vai vị tư lệnh ngành, đôi vai của người đàn ông trụ cột gia đình khẽ rung lên. Ông thấu hiểu lắm chứ. Cuộc sống thường ngày của giáo viên vùng cao vốn đã khó khăn gian khổ, điều kiện công tác cũng ẩn đầy nguy nan.

Xem nguyên văn tại nguồn:

http://m.vtc.vn/538-431885/giao-duc/lu-quet-ban-khoang-hanh-trinh-trach-nhiem-tinh-thuong.htm

About chumonglong

Thấy việc nghĩa không làm là đồ hèn. Thấy việc đúng mà bất lực là đồ ngu. Thấy việc thiện mà làm ngơ là đồ ích kỉ. Thấy đồng loại đau khổ mà vẫn vui chơi là đồ bất lương. Còn sức khỏe, trí lực mà tìm chỗ ẩn cư thì cũng là phường vô đạo!

Đã đóng bình luận.