Cháy nhà ra mặt chuột – Nhiều sự gian lận trong mở và duy trì ngành đào tạo tại Trường Đại học Quy Nhơn

Tiêu chuẩn

LOGO DHQNChu Mộng Long – Sự vụ tổ chức đào tạo và sáng chế văn bằng chứng chỉ tràn lan tại Khoa Tài chính – Ngân hàng Trường Đại học Quy Nhơn, ngoài hình thức kinh doanh dịch vụ trái quy định, tự nó còn bật mí nhiều điều cần phải xem xét đối với đơn vị đào tạo này cũng như một số ngành khác tại ngôi trường đã từng gây ra bao nhiêu tai tiếng từ nhiệm kỳ trước.

Cuộc họp bất thường chiều ngày 26.4.2013, chính ông Trưởng Khoa Hà Thanh Việt cho biết, Nhà trường không đủ điều kiện vật chất, trang thiết bị đào tạo kỹ năng nghiệp vụ tài chính – ngân hàng nên phải đưa sinh viên ra ngoài công ty gia đình của ông thuê mướn địa điểm để đào tạo.

Vậy là tự ông quản lí đơn vị này thú nhận, 10 năm nay, Trường Đại học Quy Nhơn mở ngành đào tạo tài chính – ngân hàng trong tình trạng không đạt chuẩn theo quy định của Bộ. Dĩ nhiên, không chỉ không đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị mà còn về chương trình và chất lượng đào tạo. Bởi vì, chương trình đào tạo phải đảm bảo nội dung lý thuyết lẫn kĩ năng thực hành được quy định tại Luật Giáo dục trước đây lẫn Luật Giáo dục đại học hiện hành. Mà đã thiếu kĩ năng thực hành trong chương trình đào tạo buộc Khoa Tài chính – Ngân hàng phải tạo ra chuyên đề nghiệp vụ ngoài chương trình, buộc sinh viên ra phải ra công ty bên ngoài để học nghề cho đảm bảo “chuẩn đầu ra” thì chất lượng đào tạo tại Khoa này đến lúc phải xem lại!

Nên nhớ, các chuyên đề để cấp các loại chứng chỉ nghiệp vụ mà ông Việt và ông Mỹ cóp nhặt được từ các trung tâm bên ngoài thuộc loại hình dạy nghề cho đối tượng không thuộc giáo dục đại học. Chúng nằm trong hệ thống dạy nghề cho các đối tượng không đủ điều kiện hay tiêu chuẩn học đại học và đặt dưới sự quản lí của Bộ Lao động và Thương binh xã hội. Quy chế đào tạo và cấp chứng chỉ nghề quy định hẳn hoi các chế tài kiểm soát chứ không tổ chức đào tạo và cấp phát văn bằng một cách tùy tiện, tràn lan.

Để cho một trưởng khoa như Hà Thanh Việt trọn quyền từ thuê địa điểm, thuê công ty (người nhà của mình), lên lớp giảng dạy, trọn quyền sinh sát cho điểm, kí bảng điểm, tự in và cấp phát bằng, tự quản lí hồ sơ, thì ông không phải vua con là gì. Ông có thể in bao nhiêu bằng cũng được và tha hồ mua bán bằng, ai kiểm soát???

Đào tạo cử nhân trình độ đại học mà kém chất lượng so với đào tạo sơ cấp nghề cùng ngành thì nó là cái gì?

Nếu nói phải sáng tạo ra chuyên đề mới hay cập nhật cho đảm bảo “chuẩn đầu ra” thì tại sao không đưa toàn bộ các thứ ấy vào trong phần bổ sung hay tự chọn (tối thiểu 16 tín chỉ, chưa tính nghiệp vụ thường xuyên) của chương trình đào tạo mà phải lùa sinh viên ra bên ngoài nộp tiền để học thêm?!

Ông Hiệu phó phụ trách đào tạo Đỗ Ngọc Mỹ và ông Trưởng phòng đào tạo Lê Xuân Vinh khi duyệt chương trình vô tình hay cố ý đã tạo ra cái sân sau này để làm ăn, trục lợi từ xương máu của sinh viên vậy hè?!

Căn cứ vào Điều 7 Thông tư 08/2011/BGDĐT, có thể đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo đình chỉ tuyển sinh và thu hồi khẩn cấp quyết định mở ngành đào tạo này.

Nếu không làm rốt ráo vụ này, ngành Tài chính ngân hàng chỉ có thể đón nhận những sản phẩm làm rối loạn hay lũng đoạn tài chính quốc gia.

Nói thêm, sau vụ chấn chỉnh của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc mở trường, mở ngành đào tạo không đảm bảo yêu cầu, Trường Đại học Quy Nhơn đã thể hiện nhiều cái gian để đối phó và đối phó một cách trót lọt qua mặt Bộ. Chẳng hạn, về đào tạo Cao học chuyên ngành Quản lí giáo dục, cái chuyên ngành tôi đã phản ánh trong bài viết trước: ai cũng dạy và học được ấy, rõ ràng là không đảm bảo yêu cầu.

Điều 2. khoản 3.  Thông tư 38/2010/BGDĐT quy định rõ:

Điều kiện được xem xét để cấp phép đào tạo các ngành hoặc chuyên ngành trình độ thạc sĩ:

Có đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng để tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ ở ngành hoặc chuyên ngành đề nghị cho phép đào tạo, cụ thể:

a) Giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ trở lêntham gia giảng dạy ít nhất 70% chương trình đào tạo. Đối với phần kiến thức cơ sở và kiến thức chuyên ngành, giảng viên tham gia giảng dạy lý thuyết phải có trình độ tiến sĩ;

b) Có ít nhất 5 giảng viên cơ hữu có bằng tiến sĩ cùng ngành đề nghị cho phép đào tạo, trong đó có ít nhất 3 người cùng chuyên ngành.

Thực chất, Trường Đại học Quy Nhơn chỉ có một tiến sĩ Giáo dục học chính hiệu: Võ Nguyên Du, còn lại Phòng Sau đại học đã tự ý đề tên giảng viên cơ hữu thuộc các chuyên ngành khác nhau báo cáo Bộ để duy trì đào tạo loại thạc sĩ bậy bạ này như sau:

1. Dương Bạch Dương, Tiến sĩ, chuyên ngành Phương pháp dạy học Vật lý.

2. Mai Xuân Miên – Tiến sĩ, chuyên ngành Phương pháp dạy học Văn.

3. Trần Quốc Tuấn – Tiến sĩ, chuyên ngành Phương pháp dạy học Lịch sử.

4. Đoàn Văn Hưng – Tiến sĩ, chuyên ngành Phương pháp dạy học Lịch sử.

Do cái món giáo học pháp của Việt Nam khi ghi trên bằng đều ghi là Giáo dục học nên Phòng Sau đại học đã qua mặt Bộ một cách ngon lành! Trong khi, trừ bà Dương đang công tác tại Khoa, các ông này chỉ đứng tên chứ không hề được tham gia dạy chuyên đề, hướng dẫn hay chấm luận văn tốt nghiệp vì… theo ông Trưởng Khoa Võ Nguyên Du là trái chuyên ngành!!!

Mà Bộ bị lừa hay cố tình bỏ qua khi Trường đã nhận cô em dâu của Thứ trưởng Bùi Văn Ga từ Trường Trung học Xuân Diệu Tuy Phước về làm chuyên viên Phòng Sau đại học để đứng ra thực hiện món giao dịch làm ăn này?

Chuyện nhận con em lãnh đạo nên dừng lại ở cái tình trong sáng, không nên lợi dụng để bưng bít những chuyện làm ăn phi pháp!

Bộ vừa rồi đã xử lí một số trường, một số ngành về sự vi phạm kiểu này, thật đáng hoan nghênh! Nhưng còn các trường hợp trên thì lại bỏ qua. Sao kì vậy ông Ga?

(Còn nữa)

About chumonglong

Thấy việc nghĩa không làm là đồ hèn. Thấy việc đúng mà bất lực là đồ ngu. Thấy việc thiện mà làm ngơ là đồ ích kỉ. Thấy đồng loại đau khổ mà vẫn vui chơi là đồ bất lương. Còn sức khỏe, trí lực mà tìm chỗ ẩn cư thì cũng là phường vô đạo!

Đã đóng bình luận.