Bị tát nặng thế mà vẫn chưa thấy đau!

Tiêu chuẩn

1363699889nguyen-huu-bang-chanh-thanh-tra-bo-giao-duc-soha.vn-bc753

Nguồn VTCNEWS

Chu Mộng Long – Sắp đến kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng, lãnh đạo của ngành giáo dục phải lo rào chắn những tai tiếng về tiêu cực thi cử trong ngành, đặc biệt là thi tốt nghiệp phổ thông. Rõ nhất là lo “hoàn thiện” quy chế thi, trong đó nổi bật là dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục với những mức phạt tiền lên hàng chục triệu đồng để răn đe.

Mà xét đến cùng, bao nhiêu lâu nay Bộ lúc nào chẳng chắn che đủ kiểu, ra hết quy chế này đến nghị định, thông tư kia, kể cả phong trào “nói không” quyết liệt nhưng có giải quyết được điều gì. Tiêu cực vẫn cứ tiêu cực, mức độ còn tràn lan và trầm trọng hơn.

Còn nhớ sau khi biểu dương “Người đương thời” Đỗ Việt Khoa kèm theo băng rôn, khẩu hiệu, loa kèn ầm ĩ về phong trào “nói không”, Bộ Giáo dục và Đào tạo hể hả tổng kết thành tích của phong trào, rằng thì là tiêu cực bị đẩy lùi, tưởng như ngôi nhà giáo dục từ nay sạch như chùi để sánh vai cùng giáo dục của thế giới văn minh, hiện đại!

Thì ra cái sự rào chắn được nói trên kia thật đáng ngờ. Trên thì hô bằng những văn bản pháp quy và chỉ đạo tỏ ra “quyết liệt”, dưới thì ứng bằng việc phổ biến tuyên truyền ầm ĩ với khẩu hiệu đỏ làng đỏ phố, chẳng qua chỉ là che chắn làm cho tiêu cực thì ngày càng tinh vi, tinh tướng hơn.

Không phải một lần, mà hầu như sau mỗi kì thi, lãnh đạo Bộ đều tuyên bố “một kì thi an toàn, nghiêm túc”. Điệp khúc này sẽ chưa dứt nếu không có cái tát thẳng cánh của những clip được tung ra ở Đồi Ngô. Bị tát nặng vậy, nhưng lãnh đạo vẫn thấy chưa đau. Chỉ thấy nói “buồn”, mà cái “buồn” chẳng trong sáng chút nào khi ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ nói: “Tôi chưa có lý giải gì cho việc này nhưng có một cảm giác buồn. Buồn vì nhiều lẽ, trong đó buồn rằng hình như mất công bằng quá, dường như giáo dục chỉ có sai, chỉ có xấu, không có gì hay cả”. Ý ông nói, thật là oan, đó chỉ là một Đồi Ngô chứ không phải Rừng Ngô của ngành giáo dục.

Buồn như thế thì thà vui còn hơn!

Tôi, cũng làm công tác thanh tra đây, tự thú với cấp trên rằng, tôi rất vui khi thấy sự thật được phơi bày. Và chẳng bị “sốc” tí nào như từ dùng của đám báo chí quốc doanh khi chộp lấy vụ việc để rao bán tin tức, bởi vì, những hình ảnh trong các clip ấy chẳng có gì mới, ở đâu chẳng thấy, không chỉ kì thi tốt nghiệp của các cháu học sinh phổ thông mà ở nhiều kì thi khác nhau, kể cả những kì thi có các quan chức và thầy giáo đi thi. Có điều, để quay được những clip như thế làm chứng cứ phải dũng cảm vượt qua những rào chắn của quy định và chấp nhận hy sinh nên không ai dám làm.

Và tự thú này nghe còn sốc hơn, với tư cách là một thanh tra, đồng thời cũng có chức vụ con con quản lí giáo dục, đã từng cả tin theo lệnh trên mà chống (mà đê tiện thay là chống học trò mình), chống một hồi đến lúc buộc phải đầu hàng vì cái cối xay gió  khổng lồ do chính các ngài đã dựng lên. Những hình ảnh như Đồi Ngô tôi đã từng nhìn thấy đầy rẫy và buộc phải làm ngơ, thậm chí còn tạo điều kiện cho nó hoạt động công khai hơn là cấm đoán để rồi cả người coi thi lẫn làm bài lấm lét một cách ti tiện. Người thi ngó ngó nghiêng, người coi thi nghiêm túc thì lùng sục moi móc, có người móc luôn cả vào chỗ kín của người thi, chẳng đê tiện là gì? Nói thật, trách gì các cháu phổ thông, cứ nhìn vào đào tạo tại chức, toàn các quan chức và thầy giáo đi thi, không phao, không cóp, coi thi, chấm thi nghiêm ngặt thì trượt hết lấy ai đi học cho đạt chỉ tiêu các ngài đặt ra, kể cả lấy tiền đâu mà chi phí khi các trường phải tự chủ tài chính?

Mà nữa, trước, các quan được ưu tiên đi học, cũng học đểu thôi, nhưng lấy bằng xong rồi về bắt nạt dân, nay, đến lượt dân đua nhau đi học lấy bằng để khỏi bị bắt nạt, khỏi bị dọa cho thôi việc, các ngài đòi nghiêm túc chặn lại, hóa ra chẳng phải bất công và vô nhân đạo ư?

Nghĩ đi nghĩ lại, biết là có tội trong cái trò hợp thức hóa bằng cấp ấy, nhưng rồi phải thả cửa cho trôi theo dòng thác của thời cuộc, đôi khi còn trong sáng hơn là che chắn để cho những kẻ lưu manh lén lút kiếm ăn bẩn thỉu.

Bằng chứng còn đấy, không tin lãnh đạo Bộ cứ về trường mà thanh tra, lôi bài thi của học viên ra mà xem, hàng trăm bài thi giống nhau như đúc vẫn điểm khá và giỏi trở lên!!! Nói sai chết liền!

Bộ không dám thừa nhận, còn tôi thì thú nhận ngành giáo dục chúng ta có cả một Rừng Ngô bị biến gen độc hại, độc hại đến mức nó hủy hoại cả nòi giống.

Đã lỡ trồng rồi, chẳng lẽ nay vì áp lực mà đốt sạch phá sạch!

Đó là nói chung về tất cả các loại thi cử. Bây giờ thì xin bắt đúng bệnh cho trường hợp thi tốt nghiệp phổ thông nhé.

Thứ nhất, phụ huynh nào cũng muốn con em mình tốt nghiệp nên khi đoàn giáo viên nơi khác đến coi thi là cả hội phụ huynh rậm rịch săn đón, và tiêu cực dấm dúi bắt đầu từ đó.

Thứ hai, nói không ngoa, có đến 90% thí sinh các loại đi thi chuẩn bị  phao thi, trong đó có cả học sinh giỏi, vì thấy cả làng dùng phao, mình không dùng là bị thiệt thòi, chết chìm.

Thứ ba, nhưng lại quan trọng nhất, các cấp quản lí, từ giáo viên bộ môn, chủ nhiệm trở lên đến lãnh đạo các cấp nghiện thành tích hơn nghiện ma túy, luôn muốn học sinh đậu tỉ lệ thật cao, bất chấp chất lượng thực hay ảo.

Và thế là đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, cả làng hùa nhau chạy theo chiều hướng ma quỷ nhưng lại tỏ ra thần tiên.

Đồi Ngô chỉ là một trong cái Rừng Ngô mênh mông với màu xanh giả dối.

Thanh tra có “quyết liệt” thực thi các chế tài trong các văn bản hà khắc mấy đi nữa cũng không thể ngăn chặn được làn sóng khủng khiếp này, ông Nguyễn Huy Bằng và lãnh đạo Bộ ạ!

Bây giờ chỉ còn một cách tự thú nhận sự thật, kể cả thú nhận sự bất lực.

Mà đã bất lực thì chỉ có cách: gỡ bỏ các rào chắn bất khả thi kia đi. Khi kẻ trộm đã chui lỗ thủng, rồi cả làng đạp rào xông tới coi Bộ như không, sao không nghĩ đến việc tháo dỡ hẳn các hàng rào lổn nhổn này đi cho quang đãng, thông thoáng để nhìn thấy hết sự thật, tự điều chỉnh mình và điều khiển cho đám đông kia xếp hàng đi theo trật tự?

Có nghĩa là, cứ thực hiện cái điều mình muốn đi, giả tạo làm gì. Cũng giống như bên giao thông và môi trường, ghi biển cấm ỉa bậy, đái bậy làm chi, khi xây dựng công trình, sao không thiết kế nhà vệ sinh đúng chỗ, tạo điều kiện cho người ta đái, ỉa một cách có trật tự, văn minh?

Nếu xem thi tốt nghiệp chỉ là đánh giá hoàn thành một giai đoạn học thì thiếu gì cách đánh giá khách quan, việc gì phải tổ chức thi cử cho tốn kém. Lập Hội đồng xét bảng điểm của suốt quá trình học tập chẳng khách quan hơn một kì thi may rủi này ư? Còn nếu đã tổ chức thi thì sao không nghĩ đến những đề thi không thể chép tài liệu, mà những đề thi dạng này có khi còn phải huấn luyện cho học sinh cách tra cứu và sử dụng tài liệu (như các nhà khoa học vẫn làm ấy) chứ sao lại cấm!

Muốn có thành tích 90 đến 100% tốt nghiệp phổ thông hay đậu cao trong các kì thi khác cũng chẳng sao, cứ nương tay cứu vớt tha hồ theo nhu cầu chạy đua thành tích và bằng cấp, nhưng đảm bảo hoàn toàn trong sáng, vô tư, miễn đừng chơi trò tiêu cực, chạy chọt, dấm dúi tiền nong một cách bất công, đê tiện.

Vậy là giáo dục đến lúc phải cải cách toàn diện từ gốc rễ là nội dung, phương pháp, đến kiểm tra chất lượng chứ không phải ở cái ngọn là hình thức tổ chức thi cử mà lãnh đạo Bộ cứ loay hoay che chắn đủ cách.

Danh nhân như các cụ: Phan Bội Châu đi thi bị bắt quả tang mang tài liệu và bị cấm thi 3 năm, cụ Cao Bá Quát chấm bài sửa bài thi của thí sinh nên bị phạt đi đày, bây giờ đến quan chức, thầy giáo đi thi cũng lật tài liệu cả làng… trách gì các cháu học sinh phải nuốt cả đống tri thức nhồi nhét vào đầu!

Lối học kinh viện, nhồi nhét là nguyên nhân của việc đi thi mang theo phao thi và chép tài liệu.

Thời đại tốc độ tri thức như vũ bão chứ phải cả ngàn năm quẩn quanh với mấy món tứ thư, ngũ kinh đâu mà bắt trẻ em phải nhồi hết vào đầu. Tiếp cận tri thức theo hướng phát triển, chỉ cần cái nền cho tư duy, để sau này còn học cả đời, học cho công việc đã được tuyển dụng, chứ học nhồi và thi một lúc hết cả 6 môn khác nhau làm gì.

Đã gọi là giáo dục phổ thông thì sao lại hạn chế chỉ tiêu bằng cấp. Tốt nghiệp phổ thông hoàn toàn khác với các loại thi tuyển. Trong thi tuyển mà còn xô bồ thì huống hồ là thi đại trà như tốt nghiệp phổ thông.

Bằng cấp và tuyển dụng là hai việc khác nhau. Cứ cấp bằng khi đã qua một cấp học, bằng cấp chỉ là thước đo của một mặt bằng trình độ chung, nhưng tuyển dụng sòng phẳng, thực chất theo nhu cầu công việc thì có chạy đua các loại bằng cấp cũng chẳng có giá trị gì?!

Thủ phạm chính vẫn là khâu tuyển dụng của nhà nước. Cách tuyển dụng và nâng lương chỉ dựa trên bằng cấp và những trò ma quái khác, bất chấp thực lực và nhu cầu công việc, không đẻ ra chuyện chạy đua bằng cấp mới là chuyện lạ. Sao không đặt câu hỏi, vì sao tại các cơ quan nhà nước (phản ánh từ đại biểu Quốc hội nhé) có đến gần nửa số công chức viên chức không biết làm việc vẫn ngồi đó ăn lương đều đặn? Sự bất công ấy kéo theo những người có năng lực, làm được việc cũng không muốn làm việc, cả một bộ máy khổng lồ trở nên ù lì mà có mấy lần cải cách hành chính vẫn không nhúc nhích…

Dân lao động è cổ ra nộp thuế nuôi một đội ngũ đông như quân Nguyên có đầy các loại bằng cấp nhưng không biết làm việc; nhà nước mỗi lần chỉ nâng lương dù nhỏ giọt, cán cân kinh tế đã bị lệch hẳn làm cho lạm phát phi nước đại tức thì, không thấy đau sao!

Xét đến cùng, ngành giáo dục chỉ giúp cho xã hội cái nền tri thức, còn đánh giá thực lực theo nhu cầu công việc thuộc nhà tuyển dụng chứ sao phải đổ hết lên đầu ngành giáo dục?!

Đồng tiền làm bẩn gương mặt tinh thần. Son phấn giả tạo không che nổi mụn nhọt đang mưng mủ. Những người lương thiện đang bức xúc trước những trò ma quái, ô uế được xức nước hoa giả dối bằng những tuyên bố rỗng tuếch chứ chẳng phải vì lí do nào khác!

Tôi dám chắc vụ Đồi Ngô, những người tung clip lên công luận không phải vì chống tiêu cực trong thi cử, mà sâu xa hơn, là vì muốn lột cái chiếc mặt nạ giả tạo của ngành giáo dục và cả xã hội cho bõ ghét!

About chumonglong

Thấy việc nghĩa không làm là đồ hèn. Thấy việc đúng mà bất lực là đồ ngu. Thấy việc thiện mà làm ngơ là đồ ích kỉ. Thấy đồng loại đau khổ mà vẫn vui chơi là đồ bất lương. Còn sức khỏe, trí lực mà tìm chỗ ẩn cư thì cũng là phường vô đạo!

Đã đóng bình luận.