Về cái lí của ông cùn Trưởng Khoa Tài chính – Ngân hàng Hà Thanh Việt

Tiêu chuẩn

trụ sở

Một trong các trụ sở CT gia đình Hà Thanh Việt

Chu Mộng Long – Lí luận phòng, chống tham nhũng theo quan điểm của Đảng thường xem trọng phòng hơn là chống. Nhưng khốn nỗi, đây không phải là loại bệnh thông thường mà là bệnh ung thư, khi phát hiện đã sang giai đoạn cuối. Cho nên, rốt cuộc phải chống chứ chẳng phòng được gì. Mà sao không nghĩ chống tốt tức là phòng tốt, vì không chống tốt sẽ không phòng được lòng tham của ai!

Báo cáo phòng chống tham nhũng định kì của Trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trường Đại học Quy Nhơn thường sạch như chùi. Khi có ý kiến nhắc nhở phòng ngừa những hiện tượng này, hiện tượng kia, lập tức có sự phản bác từ nhiều phía với câu hỏi cửa miệng: bằng chứng đâu? Có nghĩa là không có bằng chứng thành mắc tội vu khống, dẫn đến nhiều người biết nhưng không dám nói. Đó là lí do, nhiều sai phạm kéo dài nhiều năm, nhưng từ chính quyền đến tổ chức đảng, công đoàn, cựu chiến binh đều cố tình im lặng một cách man rợ theo chủ nghĩa mackeno!

Với câu hỏi chọc tức bằng chứng đâu thì đến khi người ta đưa ra có bằng chứng, chỉ có từ chết trở lên!

Cuộc họp bất thường 26.4.2013 không nhằm mục đích đối chất với Trưởng Khoa Hà Thanh Việt về sự vụ tiêu cực tại Khoa này mà chỉ nhằm thăm dò thái độ của những người trong cuộc để có phương án giải quyết hợp lí hợp tình và khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, thái độ và cách cãi chày cãi cối của các ông này làm cho sự vụ không thể dừng lại được nữa, buộc Phó Hiệu trưởng Nguyễn Đình Hiền phải đề nghị hội đồng thống nhất phương án trình Hiệu trưởng Nguyễn Hồng Anh cho lập Tổ thanh tra thanh tra nội bộ.

Trong khi, theo Trưởng Ban Thanh tra Nhân dân, sự vụ có chiều hướng phức tạp và có dấu hiệu hình sự nghiêm trọng, nên cần thiết phải chuyển cho cơ quan điều tra xử lí.

Trước khi thanh tra chính thức sự vụ, ngoài công khai bản báo cáo và kiến nghị của Thanh tra Nhân dân, tôi xin mách thêm 9 điều mà Trưởng Khoa Hà Thanh Việt và những người liên quan đã chày cối trong cuộc họp trước để biết mà lo đối phó.

1. Ông Việt nói, đơn thư của sinh viên tố cáo ông là hành vi cố tình phá hoại, ông cần chứng minh họ phá hoại gì, nếu không nói là phá hoại công cuộc làm ăn bất chính của ông? Khi chưa có kết luận cuối cùng mà đã chụp mũ người tố cáo thì đó đã là hành vi đe doạ, trả thù, trù dập, xúc phạm người tố cáo, vi phạm khoản 8, điều 8 Luật tố cáo.

2. Ông Việt nói không có khoa nào trong trường lập website mà phải đặt dưới sự quản lí của Nhà trường. Đúng, nhưng đó là lỗi quản lí của Nhà trường. Nhưng ông cũng thừa biết rằng, không Trưởng Khoa nào lợi dụng danh nghĩa cơ quan Nhà nước để quảng cáo và làm ăn trục lợi riêng như ông. Với tư cách là một viên chức quản lí, ông phải tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử theo khoản 3 điều 5 Luật viên chức chứ không thể tùy tiện. Mượn website với danh nghĩa của Khoa, ông quảng cáo cho Công ty gia đình do bố, em, cô ruột của ông (Hà Thanh Tịnh, Hà Thanh Dũng, Lê Thị Tân Tiếng) đứng tên và đóng cổ phần, lại còn tổ chức hợp tác dịch vụ với công ty này bằng cách bắt sinh viên của mình ra công ty này học để thu tiền thì không phải lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi là gì?

Điều 37 khoản 5 Luật Phòng, chống tham nhũng ghi rõ: “Cán bộ, công chức, viên chức là thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng và những cán bộ quản lý khác trong doanh nghiệp của Nhà nước không được ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột; cho phép doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của doanh nghiệp mình; bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán – tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong doanh nghiệp hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hoá, ký kết hợp đồng cho doanh nghiệp”.

3. Ông Việt nói, mọi việc làm của ông đều có thông qua toàn thể khoa, trao đổi với lãnh đạo nhà trường và có sự đồng thuận, chứ không phải cá nhân ông tự ý làm. Ý ông muốn cột tập thể khoa và lãnh đạo trường vào đây để gánh lấy trách nhiệm với ông, nhưng ông phải chứng minh tư cách pháp lí của cá nhân lãnh đạo nào và chứng lí về sự đồng thuận của tập thể khoa ông. Ông có đặt dấu hỏi, tại sao các khoa có trung tâm hoạt động dịch vụ mà khoa của ông lại không được phép? Câu hỏi này trả lời gọn cho ông rõ: ông chưa được phép thì ông không được làm, mà khi chưa có phép mà vẫn ngang nhiên làm là vi phạm pháp luật!

4. Ông nói, ông không ép buộc sinh viên nộp tiền học thêm các chứng chỉ nghiệp vụ, tức sinh viên tự nguyện, thế tại sao sinh viên lại đủ cam đảm tố cáo ông? Ông nói, ông không trục lợi cho cá nhân ông hay công ty gia đình của ông mà mang lại lợi ích tài chính cho nhà trường và cho nghiệp vụ của sinh viên. Điều này thì đến khi kiểm tra tài chính, ông và gia đình ông lợi bao nhiêu, những cá nhân cấu kết với ông và nhà trường lợi bao nhiêu sẽ rõ như ban ngày! Ông nói, ông thu học phí lệ phí giá rẻ, nên số học viên, sinh viên tăng lên, bỏ các trung tâm dạy nghề bên ngoài để vào khoa ông học. Tự ông đã cáo bạch về sai phạm của ông. Trường Đại học Quy Nhơn từ sau nhiệm kì loạn thu của Trần Tín Kiệt đã áp dụng nghiêm túc Quyết định 70/1998 về việc thu và sử dụng học phí của Thủ tướng chính phủ và các Nghị định, Thông tư sửa đổi bổ sung, cá nhân một trưởng khoa như ông không có quyền tự đặt ra một khoản thu nào khác, dù là đắt hay rẻ, chưa nói đó là nguồn thu về một thứ dịch vụ không/ chưa được phép! Việc sinh viên phải bỏ Trung tâm dạy nghề bên ngoài vào khoa ông để học chỉ vì lẽ đơn giản: ông thông báo “chuẩn đầu ra” cho sinh viên khoa ông phải có các thứ chứng chỉ do ông sáng tác ra. Đó đã là bằng chứng về sự bắt buộc, sinh viên nào chả sợ mà rút vào trường nộp tiền cho ông để thoát nạn!

5. Ông cho biết, Trường Đại học Quy Nhơn không đủ điều kiện cơ sở vật chất để đào tạo các chứng chỉ nghiệp vụ do ông đặt ra nên phải thuê, mướn công ty gia đình ông để học nên các Quyết định cấp chứng chỉ do Phó Hiệu trưởng kí đều phải ghi cấp cho sinh viên Công ty gia đình của ông. Thông tin này khác nào vạch áo cho người xem lưng rằng, 10 năm nay Khoa Tài chính – Ngân hàng Trường Đại học Quy Nhơn đã đào tạo lậu hàng vạn sinh viên không có nghiệp vụ, vì không đủ điều kiện cơ sở vật chất để đào tạo!

6. Ông nói, ông thu tiền học phí lệ phí đúng quy định chứ không lạm thu, vượt thu và đều có chứng từ. Quy định mức nào là do chính ông đặt ra cả trước và sau khi đưa vào Kế hoạch số 728/KH-ĐHQN năm 2012, mà kế hoạch này do cá nhân ông Lê Xuân Vinh và ông Đỗ Ngọc Mỹ duyệt (để đối phó sau khi đã đào tạo chui từ 2009) chứ không thông qua Hội đồng nào, biết đâu là lạm thu hay vượt thu? Còn chứng từ hợp pháp hay không là do Phòng Kế hoạch Tài chính phát hành chứ ai chấp nhận chứng từ do chính ông phát hành?

7. Ông nói, ông không mời người dạy một cách tùy tiện mà chọn người có năng lực chuyên môn. Những người ấy là ai ngoài vợ chồng ông: Hà Thanh Việt – Văn Thị Thái Thu và một nhóm người trong ê kip làm ăn mà bản thân cơ quan quản lí nhà trường không biết?

8. Về mặt pháp lí, ông lập luận rằng, các chứng chỉ ông đề nghị Phó Hiệu trưởng Đỗ Ngọc Mỹ kí cấp cho sinh viên không thuộc quy định tại Quyết định 33/2007/QĐ-BGDĐT và Quyết định 34/2008/QĐ-BGDĐT nên ông có quyền tự tổ chức lớp đào tạo, tự quản lí, tự in văn bằng… và các loại tự do khác, tức là ông (cả với tư cách cá nhân lẫn cán bộ quản lí) đã đứng ngoài vòng pháp luật, chứ đừng quanh co lí luận ông có quyền làm những gì nhà nước không cấm! Mách luôn cho ông biết, Quy chế chi tiêu nội bộ của Nhà trường có khuyến khích dịch vụ không có nghĩa là khuyến khích kinh doanh ngoài vòng pháp luật! Và không ai cho phép một trưởng khoa đủ thẩm quyền tự tổ chức đào tạo, tự thu phí, tự soạn thảo quyết định cấp bằng, tự in văn bằng vô giới hạn, tự đánh giá xếp loại, tự lưu hồ sơ… dù là hình thức đào tạo nào!

Chẳng lẽ với lập luận kiểu ấy, từ nay các khoa, các đơn vị trong trường và các cơ sở đào tạo trên toàn quốc  ai cũng có quyền mở lớp đào tạo, tự in văn bằng chứng chỉ các loại ngành học, môn học vô tư không cần thông qua trình tự, thủ tục pháp lí nào, miễn sao nằm ngoài 10 mẫu quy định trong cơ chế quản lí của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam?!

9. Ông Đỗ Ngọc Mỹ biện bạch cho ông Việt rằng các chứng chỉ ấy chỉ có giá trị nội bộ, càng dễ khép ông Việt vào tội lừa đảo khi ông thông báo cho sinh viên rằng các chứng chỉ ấy có giá trị quốc gia. Ông Việt lại còn khoe đã tìm thấy hợp đồng dịch vụ giữa công ty gia đình ông với lãnh đạo nhà trường rồi. Tự dưng lại khoe thêm cái bằng chứng về sự cấu kết làm ăn phi pháp này? Hoạt động dịch vụ của Nhà trường thì phải thông qua hội đồng, phải có giấy phép kinh doanh dịch vụ và đăng kí thuế chứ đâu có cái loại hợp đồng tay đôi vô chính phủ để trốn thuế như thế!

Ông Lê Xuân Vinh có lấy Bộ ra làm chỗ chống lưng rằng, quan trọng là giá trị sử dụng những văn bằng này ra sao chứ không liên quan gì đến những tấm bằng được cấp phát, đóng dấu đỏ lòm của Nhà nước? Bài trước tôi có nói ông Bộ nào thật vui tính, Bộ cho phép bất cứ tổ chức hoặc cá nhân nào đều có quyền tự do mở ngành mở lớp đào tạo, tự do in văn bằng, chứng chỉ rồi tự do lấy dấu của Nhà nước ịn vào để phục vụ cho mục đích kinh doanh, còn giá trị là do cách sử dụng chứ Bộ không quan tâm???

Với bằng chứng sinh viên mang tấm bằng này đi xin việc bị cơ quan tuyển dụng từ chối vì không hợp pháp, ai bồi thường thiệt hại này cho hàng nghìn sinh viên?

Hay là từ nay, các ngân hàng tự đo lấy giá trị của những tấm bằng ấy mà sử dụng nhé, Bộ Giáo dục và Đào tạo không chịu trách nhiệm đâu! Có khi thực hiện kế sách kinh doanh bằng cấp này để ổn định ngân hàng, ông Thống đốc Bình xin cả giải Nobel chứ không chỉ nửa giải!!!

Xem Quyết định cấp chứng chỉ (do ông Việt soạn thảo chứ không thông qua phòng đào tạo) không căn cứ pháp lý hay kết quả xét duyệt của Hội đồng nào:

Scan0018

chungchi2

Bảng điểm toàn loại giỏi và xuất sắc cũng do ông Việt soạn thảo và kí, không thông qua Phòng Đào tạo quản lí và ông Phó Hiệu trưởng Mỹ kí không ghi ngày:

bangdiem1

Và đây là những tấm bằng do ông Việt tự in không giới hạn, không đăng kí, không ghi thời gian học, không theo mẫu nào trong quy định:

chungchi1a

About chumonglong

Thấy việc nghĩa không làm là đồ hèn. Thấy việc đúng mà bất lực là đồ ngu. Thấy việc thiện mà làm ngơ là đồ ích kỉ. Thấy đồng loại đau khổ mà vẫn vui chơi là đồ bất lương. Còn sức khỏe, trí lực mà tìm chỗ ẩn cư thì cũng là phường vô đạo!

Đã đóng bình luận.