Kẻ vô thần không phải là kẻ bác bỏ các vị thần của đám đông…

Tiêu chuẩn

I.Kant (

I.Kant (1724 -1804)

Chu Mộng Long – Blog này không hoạt động chính trị mà chỉ là tiếng nói trách nhiệm của trí thức – công dân. Không a dua chơi trò hoặc tô hồng như “lề phải”, hoặc bôi đen như “lề trái” biến lịch sử dân tộc thành bức tranh nham nhở bất phân trắng/ đen, tối/ sáng. Tiếng nói cá nhân trên blog này luôn giữ lập trường không ta không địch mà chỉ có đúng hoặc sai theo tiếng gọi của lương tâm. Phàm cái gì có lợi cho mọi người thì làm, cái gì có hại cho cả cộng đồng thì nên tránh. Điều đó không có nghĩa là cái đúng thuộc về đám đông mà vượt qua sự a dua của đám đông để mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Thỉnh thoảng tác giả của Blog này có chọc tức ông này bà kia, nhà này lều nọ nhưng không mang nghĩa chống phá. Tất cả chỉ tạo nên động cơ phản lực cho sự vận động tiến lên phía trước của cả cộng đồng đang bị chết mòn trong cỗ áo quan diễm lệ của những tư tưởng đồng bóng.

Sự sống hài hòa tự nó đã là nền chính trị chân chính.

Mọi mưu toan lợi dụng đám đông để đoạt lấy lợi ích cho riêng mình đều là những mưu toan chính trị bất chính.

Đầu thế kỉ trước, Tản Đà tiên sinh từng tự vấn: Dân hai mươi triệu ai người lớn/ Đất bốn nghìn năm vẫn trẻ con. Lời tự vấn này không kém triết gia Tây phương luận về Khai sáng: Khai sáng là sự thoát li của con người ra khỏi tình trạng vị thành niên do chính con người gây ra. Trong cách nói của cụ Tản Đà da vàng mũi tẹt An Nam hay của ông Kant mắt xanh mũi lõ Tây phương kia, tình trạng vị thành niên ấy chính là sự a dua bầy đàn bởi sự chi phối, điều hành của một cá nhân hay một thế lực tự xưng là đỉnh cao trí tuệ hay tinh hoa. Sapere aude! Hãy can đảm tự sử dụng năng lực trí tuệ của chính mình để thoát khỏi tình trạng vị thành niên.

Vậy thì việc trưng cầu dân ý trong tình trạng lấy ý mình áp đặt vào ý dân với cách soạn sẵn, bên lề này thì xin biểu quyết, bên lề kia thì xin chữ ký để tranh nhau lực lượng, còn dân thì hoặc nhắm mắt giơ tay hoặc nhoay nhoáy kí theo phong trào, liệu đã thoát ra khỏi tập tính bầy đàn?

Thực ra, tình trạng vị thành niên của một bầy đàn chỉ trút gánh nặng lên lưng kẻ đầu đàn. Anh ta hoang tưởng mình được tự do dìu dắt cả bầy đàn vào chốn khai minh mà quên rằng đang bị cầm tù trong ống cống của sự u mê. Bi kịch bắt đầu từ đó. Khi cả bầy đàn nhao nhao nói hùa theo anh ta, anh ta tưởng nghe được nhiều tiếng nói, trong khi lỗ tai của anh ta thực ra chỉ nghe mỗi tiếng nói của chính mình vọng lại từ trong ống cống ấy!

Marx cũng như Kant hay Nietzsche không tạo ra một chủ nghĩa vô thần hay duy ác như người ta cố tình cắt xén, xuyên tạc. Trong những ngữ cảnh cụ thể, Marx chỉ chống lại sự a dua bầy đàn chạy theo những tư tưởng đồng bóng, và nói thật công bằng, ông không ngờ tư tưởng của ông lại bị đồng bóng hóa bởi những kẻ a dua!

Lịch sử thường hay nhại lại cái đã đi qua như một sự nhạo báng, giễu cợt trí tuệ của loài người!

Bài viết sau của Nguyễn Thanh Hải gửi cho Blog Chu Mộng Long không hẳn đã là chân lí, trừ một số chỗ hơi sến bởi mùi thơ cải lương gia vị cho triết học, về cơ bản rất đáng suy ngẫm để có thể tranh luận với ông ta.

 ————————-

THẾ NÀO LÀ VÔ THẦN

 Nguyễn Thanh Hải

 Không nhiều, Kant chỉ đưa ra ba quy tắc để làm sáng tỏ những nguyên tắc của ý thức chung: “một, suy nghĩ cho chính mình; hai, suy nghĩ từ lập trường của người khác; và ba, luôn suy nghĩ một cách kiên định”.

Trong ba quy tắc này, quy tắc thứ hai liên quan đến việc mở rộng suy nghĩ, phát triển tư duy cá nhân, mà từ đó một người đặt sang một bên những điều kiện chủ quan riêng tư của phán đoán bản thân – điều khiến quá nhiều người bị “chiếc nêm Hephaestus” thít chặt vào miếng cơm, manh áo, nhà cao, cửa rộng… (và không hẳn bao gồm vợ “đẹp” con “khôn”), và suy nghĩ bằng chính phán đoán của mình từ lập trường phổ quát: là cái mà anh có thể xác định chỉ bằng việc chuyển chính mình sang lập trường của người khác. (x. Thông diễn học của Hegel. Tp HCM, 2006, 57).

Tư tưởng chuyển mình sang lập trường của người khác, ngay từ thế kỷ IV tr.CN đã được Khổng Tử cảnh tỉnh qua cương lĩnh “trị quốc bình thiên hạ” với “Tam cương, Bát mục”, trong đó tu thân là “cách vật trí tri”; “thành ý” là phải bằng cái đầu của mình.

Có thành ý thì mới chính tâm. Có chính tâm mới biết sửng sốt. Sửng sốt là lúc phân biệt được đẹp / xấu. Sửng sốt là cách khác của ngạc nhiên. Ngạc nhiên là biểu hiện của cách nhìn đời bằng cặp mắt mới lạ. Có nhìn đời như vậy thì mới có được phát minh. Phát minh là cái vốn quý của người, vì đó là cái của Trời ban phát cho con người. Nếu không phải như thế thì nội dung của những phát minh là sự vật hiện tượng tự nhiên, tức là cái tự nhiên được thấu thị. Tuy có phát minh ít (thậm chí là không có) giá trị lúc này, lúc khác, thì nó cũng không thể vì thế mà bị đối xử như của kẻ “ăn tàn phá hại”. Nó, có chăng…, thì bất quá cũng chỉ là chưa đúng, “chưa đúng thì phải làm cho tốt” (Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. VTV1. 19g, 11/4/’13; Ý ông là phải hướng dẫn uốn nắn để cây tre không thẳng mà thành được cái mũi tên, cái cây gỗ không tròn mà thành được cái bánh xe mới là tài giỏi).

Hồ Chí Minh, ngay từ 1924 đã nói: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử,… Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu… [thì] chưa phải là toàn thể nhân loại”. Cho nên “Chúng ta phải coi chừng! Các dân tộc Viễn Đông có trải qua hai giai đoạn đầu không” (chế độ nô lệ, chế độ nông nô). Vậy thì làm gì? Đương nhiên là phải “Xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông (…). Và các Xô viết sẽ thành công; vì rằng, đứng trên các thành kiến chủng tộc, họ sẽ làm cho thế giới được miễn nghe những lời tầm phào của những Guýtxtavơ Lơbốp, và những Hăngri Coocđiê” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, CTQG, 2000, t1, 465).

Tư tưởng chuyển chính mình sang lập trường của người khác đã và vẫn còn đang là “mốt thời thượng”. Không ít những “học giả” đã thành danh khi đi theo “mốt” này. Không hiếm những ca sĩ, nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo… đã giàu lên nhanh chóng cũng là nhờ vào cách kiếm tiền này. Cũng không hiếm kẻ khốn nạn nghĩ một đằng nói một nẻo mà không thay đổi được thân phận của mình, mặc dầu giấc mơ đổi đời  luôn là di sản tư tưởng của cả dòng tộc không có nhiều cơ hội… Song thảm hại thay cho số phận của những con người, khi không được ai nghe thì… “thút thít”, khi sẽ có được những người nghe cho, thì chỉ còn mỗi cách phải… “mếu máo” mà thôi!

Cùng thực hiện chung chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc Góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, trong khi dân chúng thì vui vẻ phấn chấn trước cơ may hiếm hoi được bộc trực ý kiến của mình, thì các nhà báo nhà đài cũng vặn mình đến hết… công suất: nhất trí với Góp ý Dự thảo… Vì nó chỉ là “Dự thảo”, mà dự thảo thì chỉ là dự thảo, tức là chưa chính thức… Đã là chưa chính thức thì tức là nó chưa là chân lý. Mà chân lý khi không phải là đám đông thì nó cũng không phải là quyền lực. Nhà báo, đài cũng biết thế! Biết thế còn tự cho mình quyền “đứng mũi chịu sào” gánh vác trách nhiệm chở “thuyền trăng tới bến”(!), chứ để cho dân chúng… dân trí thì thấp như vịt, chân tay tuy khỏe mạnh nhưng chỉ thích ứng với công việc đồng áng, quanh năm đã không biết đến cái la bàn, mà lại còn tưởng là cái đồng hồ chuyên chỉ vào giờ Tý, “bụng còn no” nên chỉ còn mỗi “đẫy giấc”… chỉ có mà “lật thuyền”, chứ chở thuyền cái nỗi gì, thì hồ đồ quá còn gì! Với sự hỗ trợ của công nghệ tư bản tư nhân về kỹ thuật âm thanh, ánh sáng cùng với một giàn “diễn viên” có hạng với thân hình cân đối theo các chuẩn đo lường Châu Âu, quần áo tân thời lại với các kỹ năng, chắc là cũng “tốt nghiệp” từ các trường dạy phát ngôn  tư bản chủ nghĩa không phải của Châu Á (?!), nhà báo, đài bước vào thời kỳ rộn ràng báo tin Xuân như chưa bao giờ từng có. Cũng đã từng nhiều lúc báo đài hết lời ca ngợi chiến tích của các chuyên gia… đủ thứ; các thương nhân… đủ loại; các đại gia ngân hàng này/ khác, bất động sản này, động bất sản kia… Nhưng đó chỉ là thời vụ, còn bây giờ đây mới là đại mùa “mượn hoa cúng Phật”: “Việc đã thành thì không nên nói đi nói lại. Việc nhất định xảy ra thì không nên tìm cách can ngăn. Việc đã qua rồi thì không nên chì chiết, nhiếc móc” (Khổng Tử, Luận ngữ, đoạn 3: Bát dật).

Đành nhẽ, không phê phán tư tưởng sai trái thì tư tưởng đúng đắn sẽ không có chỗ ngự. Nhưng khi “tâng” vấn đề tư tưởng thành vấn đề chính trị một mất một còn, … thổi vấn đề thành phong trào phê phán tư tưởng sai trái khiến nó trở nên phong trào chỉnh người, tuy là có quán triệt đúng tinh thần đấu tranh tư tưởng, nhưng rốt cuộc thì lại thành thủ tiêu đối thủ tư tưởng, làm cho cuộc đấu tranh không có đối tượng, bởi dân chúng – chúng ta đều biết cả: hèn!

Hèn là do dân trí ta thấp. Dân trí thấp nên sợ sai. Sợ sai mà không dám nói. Không dám nói là hèn. Hèn đẻ ra hèn. Cha là đẻ ra con, vì “liu điu” không thể “nở ra rồng” cho nên nòi nào thì giống ấy cứ mãi mãi “ngàn năm dòng tóc em buồn”: Dòng giống tổ tiên để lại cho cháu con, mà cháu con cứ mãi thế này, thì tổ tiên cứ sinh tử để chống “Hán hóa” có dã tràng không!

 Không biết cách trung thực, mà vẫn như cái kiến quanh quẩn với “cành đa” mà lại là “leo phải cành cụt”: hèn, thì làm sao thực hiện lời dạy “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước” được!

 “Muốn giết chó thì cứ vu cho nó có bệnh dại”. Câu ngạn ngữ của người Pháp bao hàm ý dân chúng nào mà chẳng sợ bị bỏ tù. Kẻ bị tù là kẻ thù của nhân dân. Mệnh đề “mới” khiến nhân dân với trách nhiệm truyền thống đối với bà con láng giềng, chả dại gì mà để tự biến mình thành kẻ “rồ dại”. Trải nghiệm lịch sử dạy họ cách cư xử tốt nhất là “an phận thủ thường”: có mới mặc mới, có cũ mặc cũ, mới cũ cũng mặc, phận nào ta dùng “lễ” ấy; đã ăn không đủ no… thì tập trung vào việc thực hiện bổn phận của cái “kho người làm”… Nhưng khốn khổ cho những bổn phận muốn theo đuổi trách nhiệm công dân: Nhà nước trưng cầu ý dân, giữa lúc khó khăn thế này mà dân chúng lại không ngó ngàng gì đến Nhà nước thì dân chúng cái nỗi gì (?!). Tiếp nối truyền thống Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Lợi, Quang Trung cái nỗi gì… Ấy là chưa kể đến khi gặp họa xâm lăng, khi được hỏi “đánh hay hòa” mà dân tình lại coi đấy là việc của triều đình thì lấy đâu ra những chiến thắng Ngọc Hồi, Chi Lăng, Đống Đa, Xương Giang, Vạn Kiếp… Chả hóa ra dân chúng chúng ta đồng loạt cam tội báng bổ tổ tiên! Chả hóa ra dân chúng được hưởng thái bình mà không chịu thực thi nghĩa vụ công dân xây dựng nước nhà để tăng cường khả năng phòng vệ đất nước ông cha, mà cam tội vong ơn bội nghĩa với Bác!

Thật là làm khó cho dân. Theo Đảng đến cùng là để đổi đời. Nay Đảng chủ trương đem việc quốc gia đại sự ra hỏi dân, mà dân không đáp lại được gì cả! Mà phàm đã là dân thì “chín người mười ý”. Đảng biết cả chứ! Biết mà vẫn hỏi, thì tức thị là Đảng muốn biết chỉ “chín người” mà có tới “mười” cái “ý dân” kia nó thực sự thế nào. Chẳng hạn, chúng dân mà không bị phải đối diện với dịch SARS như hiện giờ, thì Đảng làm sao biết để kịp thời ra những chỉ dẫn cho dân chúng chú ý thực phẩm không/ có nguồn gốc, trong khi bọn con buôn “ba đầu sáu tay” “nước lạ” và nước ta cứ cấu kết với nhau mà ra sức tuồn gia cầm giá rẻ qua “cửa khẩu… chui”. Nó chui lủi đến mức, khiến ông phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phải rời bỏ văn phòng để ra biên thùy chỉ đạo ngăn chặn gà lậu hoài mà vẫn không ngăn chặn được!

Vì thế giới này là thế giới của những hiện tượng. Mà hiện tượng thì có cái đúng có cái sai vì nó được nhận thức thông qua các giác quan, và dân chúng cũng cần được cảm nhận từ Đảng sự hướng dẫn dân chúng như thế nào để “công chúng” đóng nổi vai trò “giác quan” của Đảng chứ!

Cái sai lầm lớn nhất của Democritus (460-370 tr. CN) là ở chỗ cho rằng nhận thức cảm tính là nhận thức tối tăm trong khi ông lại dựa vào những quan sát cá nhân và thông qua thính giác, thị giác, khứu giác, xúc giác và… thậm chí cả vị giác của mình nữa để khăng khăng “thế giới do các nguyên tử và chỗ trống tạo thành”. Trong triết lý về nhận thức, ông này đã “tổ chức” cho nhận thức lý tính biểu thị thái độ khinh thị nhận thức cảm tính. Nhưng chả biết ông dằn mặt bọn nhận thức cảm tính thế nào mà chúng nổi loạn dám “hỗn láo” cả lên: “Lý tính đáng thương ơi phải chăng người đã chiến thắng chúng ta bằng cách bòn rút ở chúng ta những dẫn chứng đáng tin cậy. Trong chiến thắng của ngươi đã bao hàm thất bại của ngươi rồi”.

Ấy thế mà, giới tinh hoa của đất nước chúng ta đang công cán ở các tòa báo, nhà đài hễ có ý gì từ phía “đẳng cấp cảm tính” (chữ của Plato) mà không “vừa lòng” họ là họ ra rả chửi đồ ăn cháo… lá đa ngay là: nào là…, nào là. Nghe mà khiếp!

Một cậu học sinh 12, “ăn chưa no, lo chưa tới” nên đã phải thừa nhận mình là kẻ lười biếng để mong nói được vài điều trăn trở. Thế mới hay, sự trăn trở đâu phải là đặc quyền nhóm. Nó là của con người. Tuy có điều là, trừ những ai không may mắn, còn như ai đã được tạo hóa sinh ra thì đều phải là người…

Khi phê phán đặc quyền hưởng thụ mà không có nghĩa vụ lo toan cho con người của bọn bóc lột, thì không ít người lại không chịu chấp nhận nghĩa vụ thương yêu nhau của người lao động. Việc đề cao “một người lo bằng kho người làm” tuy không là sai lầm không thể tha thứ của văn hóa truyền thống, song vô hình trung nó đã phạm sai lầm không thể bỏ qua: hạ thấp người lao động ngang bằng với thế giới động vật – không biết lo toan. Thế vậy ra “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” với “quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động” là gì thế? Chẳng nhẽ quần chúng, hơn nữa là quần chúng được hưởng một nền giáo dục tiên tiến như hiện nay chỉ có mỗi một bổn phận không được thay đổi là lầm lũi lam làm (?!).

Không thể như thế. Khi còn là học sinh, và kể cả khi vào quân đội, tôi (tác giả bản văn này) luôn được giao cho công việc chủ bút của những tờ báo tường. Tiếc rằng tôi không có cơ hội để lưu lại bút tích một thời “bị ép” viết “Lời tòa soạn”. Nếu có để so sánh, tôi đủ căn cứ để được coi những điều tôi viết khi chưa được học đại học, tuy có kém hơn – nhưng không nhiều, so với Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992: Lời nói đầu. Vậy ra, đâu phải để “biết lo” phải đợi đến khi “có đủ xe tăng, đại bác / Đi trả thù mà không ngại dài lâu” như một nhà văn hóa nào đã viết. Thì đây, có ai không? Hãy bẻ gãy giọng lưỡi của cậu học sinh 12 kia – tác giả “Sự trăn trở của một kẻ lười biếng”.

Đáng lẽ tôi phải gọi cậu ta này là lực lượng thù địch… Nhưng Obama đã dạy tôi sự thận trọng khi bài phát biểu của ông sau 2 giờ vụ nổ bom tại Boston, ông đã không sử dụng từ khủng bố đối với kẻ gây nổ, đơn giản ông phải đợi cơ quan chức năng tham mưu của ông kết luận. Tôi cũng mong các cơ quan báo chí nhà đài hãy lên tiếng kết luận cậu bé kia là thù địch để tôi có thể gọi thẳng hắn ta là “lực lượng thù địch” trong giáo dục!

Khiếp, thế nên tôi cũng chỉ dám viết chứ không dám mở mồm.

Thôi, không dám…, thì nhờ Karl Marx “thưa” với họ giùm (chắc Ông không phiền lòng vì vốn dĩ ông chỉ đứng về phía dân chúng tôi):

“Kẻ vô thần không phải là kẻ bác bỏ các vị thần của đám đông, mà chính là kẻ hùa theo ý kiến của đám đông về các vị thần” (x. Toàn tập Mác-Ăng ghen. t40, 277).

About chumonglong

Thấy việc nghĩa không làm là đồ hèn. Thấy việc đúng mà bất lực là đồ ngu. Thấy việc thiện mà làm ngơ là đồ ích kỉ. Thấy đồng loại đau khổ mà vẫn vui chơi là đồ bất lương. Còn sức khỏe, trí lực mà tìm chỗ ẩn cư thì cũng là phường vô đạo!

Đã đóng bình luận.